Thứ Ba, 20/9/2022 | 09:59 GMT +7

Nghiệm thu cấp nhà nước Đề tài độc lập cấp Quốc gia “Nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế biển khu vực ven bờ tỉnh Quảng Ninh và phụ cận” do Trường Đại học Hạ Long chủ trì thực hiện.

Chiều ngày 18/9/2022, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đánh giá kết quả nghiên cứu Đề tài độc lập cấp Quốc gia “Nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế biển khu vực ven bờ tỉnh Quảng Ninh và phụ cận” (mã số ĐTĐLXH.01/19), do Trường Đại học Hạ Long chủ trì, TS Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng điều hành làm Chủ nhiệm.

Quang cảnh buổi đánh giá, nghiệm thu đề tài

Hội đồng nghiệm thu gồm 9 thành viên  là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành thuộc các lĩnh vực biển và hải đảo, tài nguyên môi trường, kinh tế và du lịch, do PGS, TS. Chu Hồi, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) làm Chủ tịch Hội đồng.

PGS. TS. Chu Hồi Chủ tịch Hội đồng (người ngồi giữa) chủ trì buổi nghiệm thu

Tham dự buổi nghiệm thu có TS Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, Th.S Nguyễn Thế Huệ, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Ninh, TS Phan Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, TS Lê Yên Dung, Vụ phó, Vụ KHXHNV và TN (Bộ Khoa học và Công nghệ), cán bộ, chuyên viên đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ và các thành viên trong Ban Chủ nhiệm đề tài.

Tại Hội đồng nghiệm thu, TS Trần Trung Vỹ, thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu. Theo đó, đề tài nghiên cứu, đã xác lập được luận cứ khoa học và thực tiễn cho mô hình phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh khu vực ven bờ tỉnh Quảng Ninh và phụ cận, với các sản phẩm nghiên cứu đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu đặt ra theo Hợp đồng với Bộ KH và CN, ngoài các báo cáo: tổng hợp, tóm tắt, khuyến nghị đề tài có 9 sản phẩm:

(1) Cơ sở khoa học và thực tiễn cho mô hình phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh khu vực Quảng Ninh và phụ cận.

(2) Bộ tiêu chí cho mô hình phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh vùng ven bờ tỉnh Quảng Ninh và phụ cận theo 02 đối tượng: Không gian (vùng ven bờ, vùng triều, vùng biển đảo và biển quanh dảo), và các lĩnh vực hoạt động (du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng thủy sản…).

(3) Thực trạng các nguồn lực tự nhiên, thực trạng phát triển kinh tế – xã hội, điều kiện môi trường tỉnh Quảng Ninh và phụ cận đáp ứng cho các tiêu chí phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh.

(4) Các mô hình phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh vùng ven bờ tỉnh Quảng Ninh và phụ cận (gồm 4  mô hình: mô hình tổng quát, mô hình liên kết phát triển du lịch; mô hình liên kết bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa, lịch sử; mô hình liên kết các khu kinh tế, khu công nghiệp)

 (5) Mô hình thử nghiệm phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với bảo tồn trên đảo Quan Lạn – Minh Châu (kèm theo mô hình còn có 6 sản phẩm vượt trội so với hợp đồng (1) Cẩm nang du lịch Quan Lạn, (2) Sổ tay du lịch sinh thái cộng đồng đảo Quan Lạn, (3)  Quy trình xử lý rác thải hữu cơ trong du lịch theo mô hình tháp trồng rau, kết hợp nuôi trùn quế nuôi trùn quế; (4)  Phim mẫu dành cho hướng dẫn viên du lịch giới thiệu hành trình lịch sử văn hóa hào hùng, trải nghiệm một ngày làm ngư dân (5) tờ rơi giới thiệu các chương trình du lich (6) tem nhãn về các sản phẩm đặc trưng của Quan Lạn).

(6) Các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi mô hình khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh và phụ cận; mô hình thử nghiệm trên đảo Quan Lạn – Minh Châu vận hành có hiệu quả.

(7) Hệ thống bản đồ khu vực nghiên cứu (04 bản đồ toàn vùng tỉ lệ 1/100.000; 03 bản đồ khu vực đảo Quan Lạn tỉ lệ 1/5.000).

(8) Hệ thống cơ sở dữ liệu trên nền GIS (Hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn Arcgis bao gồm các lớp thông tin của bản đồ nền và các bản đồ chuyên đề).

(9) Sản phẩm công bố và đào tạo có 2 bài công bố quốc tế có uy tín trên ISI, Scopus và 04 bài công bố trên tạp chí uy tín trong nước (vượt gấp hai lần so với hợp đồng);  đào tạo được 02 thạc sỹ và hỗ trợ đào tạo 01 nghiên cứu sinh có đề tài gắn với nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ.

Các sản phẩm nhìn chung đều đảm bảo tính khoa học, trong đó tiêu biểu phải kể đến Mô hình thử nghiệm phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với bảo tồn trên đảo Quan Lạn – Minh Châu, đã được đưa vào thử nghiệm, sau gần 6 tháng ứng dụng mô hình đã được các cơ quan quản lý, công ty du lịch, cộng đồng dân cư đánh giá cao, được du khách đón nhận.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu và thuyết trình những điểm mới của đề tài, từng thành viên trong Hội đồng đã đọc bản nhận xét, góp ý. Các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu và khẳng định: nhóm nghiên cứu đã có nhiều cố gắng đảm bảo đầy đủ các sản phẩm theo số lượng, khối lượng, chủng loại và chất lượng theo yêu cầu đặt hàng. Trong đó, sản phẩm 6, sản phẩm 9 đã vượt so với hợp đồng).  Những đóng góp của Đề tài cả trên phương diện lý luận, nhận thức và thực tiễn là rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển khu vực ven bờ tỉnh Quảng Ninh và phụ cận theo định hướng phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại: Đạt./.

Ban chủ nhiệm đề tài chụp ảnh lưu niệm với các thành viên hội đồng và đại biểu tham dự

Phòng HTQTQLKH

BÌNH LUẬN