Thứ Tư, 16/1/2019 | 09:41 GMT +7

Nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo cơ chế đặc thù

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 4929/BGDĐT- GDĐH ngày 20/10/2017 về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch, yêu cầu các các trường đại học, học viện có đào tạo các khối ngành du lịch, trong đó có Trường Đại học Hạ Long, phải khẩn trương triển khai xây dựng Đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực du lịch trình độ đại học giai đoạn 2017 - 2020. 

Thực hiện Nghị quyết số 08 – NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã ban hành chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 16/8/2017, xác định mục tiêu “Đến năm 2020, ngành Du lịch Quảng Ninh cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn… là nền tảng thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, cần phải phát triển nguồn nhân lực du lịch đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và hợp lý về cơ cấu, cần coi đây là giải pháp mang tính chiến lược. Tuy nhiên, với thực trạng đội ngũ nhân lực du lịch và công tác đào tạo du lịch hiện nay của Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng, vẫn còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu doanh nghiệp và xã hội trong bối cảnh mới. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi có giải pháp, chiến lược bài bản trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 4929/BGDĐT- GDĐH ngày 20/10/2017 về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch, yêu cầu các các trường đại học, học viện có đào tạo các khối ngành du lịch, trong đó có Trường Đại học Hạ Long, phải khẩn trương triển khai xây dựng Đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực du lịch trình độ đại học giai đoạn 2017 – 2020.

Đào tạo các chuyên ngành du lịch tại Trường Đại học Hạ Long

Đến nay, Trường Đại học Hạ Long đã mở được 3 ngành hệ đào tạo đại học: Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; tiếp tục đào tạo 4 chuyên ngành hệ cao đẳng (Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống và hướng dẫn viên du lịch) và một chuyên ngành hệ trung cấp: Chế biến món ăn. Tính đến tháng 5/2018, khối ngành du lịch có 1.417 sinh viên. Bên cạnh đó, nhà trường còn các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn theo đơn đặt hàng, từ năm 2015 – 2017 đã mở được 32 khóa bồi dưỡng ngắn hạn với hơn 700 học viên.

Chương trình đào tạo thường xuyên được điều chỉnh phù hợp với định hướng ứng dụng nghề nghiệp: hệ đại học tăng cường đào tạo tiếng Anh, hệ cao đẳng điều chỉnh nội dung giảm thời gian đào tạo từ 3 năm xuống 2 năm. Giáo trình giảng dạy được lựa chọn từ giáo trình của trường đại học có uy tín, sách chuyên ngành, sách tham khảo do Dự án EU tài trợ. Nhà trường đã tổ chức biên soạn tập bài giảng, giáo trình điện tử mang đặc thù Quảng Ninh; thành lập các câu lạc bộ nghiệp vụ: buồng, bàn, hướng dẫn tạo môi trường cho sinh viên chia sẻ kiến thức chuyên môn; cử sinh viên tham gia các hội thi nghiệp vụ do Bộ, ngành tổ chức, một số sinh viên đạt giải cao trong các hội thi hướng dẫn viên, bartender, đầu bếp, hội thi Olympic, tiếng Anh…

Giai đoạn 2015 – 2018, các giảng viên thuộc khối ngành du lịch đã và đang thực hiện hơn 100 nhiệm vụ khoa học các cấp; hợp tác với gần 10 đơn vị quản lý và doanh nghiệp du lịch, ký thỏa thuận hợp tác với gần 10 cơ sở đào tạo và tổ chức phi chính phủ hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực du lịch, xây dựng mới và đưa vào sử dụng 2 công trình gồm khối nhà giảng đường 7 tầng và nhà ký túc xá 7 tầng, nên phần nào đáp ứng được yêu cầu dạy – học và chỗ ở cho sinh viên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo du lịch còn một số bất cập như: đội ngũ giảng viên thiếu trầm trọng nhưng nguồn tuyển hạn chế, chưa có chuyên gia đầu ngành; chương trình đào tạo được điều chỉnh thường xuyên xong chưa trình tự các học phần, tổ chức thực hành, thực tập chưa khoa học; chưa có chương trình chất lượng cao, chương trình đào tạo liên kết với các trường đại học uy tín thuộc các nước có nền giáo dục tiên tiến; doanh nghiệp du lịch chưa tham gia tích cực vào quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học; tin học hóa quản lý đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân chính là do trường mới thành lập, việc ổn định tổ chức, phát triển đội ngũ giảng viên, bổ sung cơ sở vật chất, mở mã ngành… cần có thời gian và lộ trình.

Nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành du lịch hệ đại học theo cơ chế đặc thù  

Phát triển đội ngũ giảng viên theo nhiều hướng

Tiếp tục tuyển dụng giảng viên, thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao về trường công tác từ chính sách thu hút của tỉnh, của trường; đào tạo lại đội ngũ giảng viên hiện có; chọn sinh viên có kết quả học tập xuất sắc toàn khóa, cử đi học thạc sĩ theo chương trình học bổng, đào tạo thành giảng viên; liên kết với doanh nghiệp xây dựng đội ngũ cán bộ đào tạo doanh nghiệp (là chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi của doanh nghiệp..) để phụ trách dạy thực hành, theo hình thức “đào tạo trên công việc”. Giải pháp này sẽ giúp giảm số lượng giảng viên cơ hữu cho trường, đồng thời là cơ sở để nhà trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng mở rộng quy mô đối với khối ngành du lịch cho từng năm học.

Triển khai mở mã ngành mới, xây dựng chương trình đào tạo gắn với thị trường

Nghiên cứu nhu cầu của xã hội mở mã ngành đào tạo mới: Hướng dẫn du lịch, Quản trị dịch vụ vận tải du lịch, thạc sĩ du lịch học; chương trình đào tạo du lịch văn bằng 2 dành cho người đã tốt nghiệp đại học khác; phối hợp với đối tác nước ngoài xây dựng chương trình đào tạo liên kết theo hình thức 3+1, 2+2, với hình thức này sinh viên không mất nhiều kinh phí được trải nghiệm thực tiễn cả trong và ngoài nước, được nhận bằng kép (bằng do Trường Đại học Hạ Long cấp và bằng của trường liên kết cấp).

Điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng mở

Nội dung chương trình đảm bảo tối đa kiến thức chuyên ngành, tỷ lệ lý thuyết và thực hành 50:50; kiến thức tự chọn tập trung vào các học phần mang tính đặc thù Quảng Ninh: Chuyên ngành Quản trị khách sạn, Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống chú trọng học phần về văn hóa ẩm thực, cắt tỉa, các loại rượu, cooktail được pha chế là từ sản vật địa phương; Chuyên ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành tập trung vào các học phần lễ hội truyền thống, phong tục, nghệ thuật dân gian truyền thống, di tích và danh thắng Quảng Ninh…; tăng cường đào tạo ngoại ngữ theo đề án tiếng Anh, với vai trò là môn học mũi nhọn, lấy tiếng Anh làm lợi thế trong tuyển dụng, làm việc; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp qua việc lồng ghép trong mỗi học phần, trong hoạt động rèn luyện nghiệp vụ thường xuyên, hoạt động xã hội; giảng dạy chuyên đề đạo đức kinh doanh, bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”.

Biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy theo hướng tích hợp lý thuyết và thực hành Bài giảng, giáo trình các học phần bám sát bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia, tiêu chuẩn nghề du lịch ASEAN, theo hướng tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, mang tính ứng dụng cao. Chuẩn hóa học liệu dưới nhiều hình thức: giáo trình, bài giảng, website môn học, thư viện điện tử, ngân hàng dữ liệu… biên soạn tài liệu giới thiệu du lịch Quảng Ninh cho sinh viên.

Cải tiến phương pháp dạy và học

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học, kết hợp phương pháp học truyền thống với học trực tuyến (blended learning); nội dung bài giảng trực quan, sinh động với các mẫu, phiếu, biểu, hình ảnh, phim… gắn với thực tế nghề nghiệp; áp dụng phương pháp giảng dạy đặc thù cho từng chuyên ngành: Chuyên ngành Quản trị khách sạn, Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống áp dụng phương pháp giảng dạy thực hành với phương châm ‘‘cầm tay chỉ việc”; Chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành sử dụng phương pháp giảng dạy ‘‘tích hợp lý thuyết, thực hành, và đi thực tế”.

Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo

Căn cứ quy mô sinh viên để lựa chọn số lượng doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ để ký kết. Doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo, phối hợp cùng nhà trường xây dựng chương trình, giáo trình, tiếp nhận giảng viên đến làm việc và hướng dẫn sinh viên thực hành, thực tập. Nhà trường cử sinh viên đến làm việc hỗ trợ doanh nghiệp vào mùa du lịch cao điểm, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các lớp ngắn hạn cho nhân viên công ty, hợp tác nghiên cứu khoa học và thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch.

Thay đổi cách tổ chức dạy và học ngoại ngữ

Xây dựng quy trình tổ chức đào tạo tiếng Anh theo Đề án đào tạo tiếng Anh, căn cứ mức độ năng lực tiếng Anh đạt được theo lộ trình, tính điểm thi đua trong các đợt xét điểm rèn luyện của sinh viên. Chương trình giảng dạy nên tập trung tiếng Anh chuyên ngành; tạo môi trường giao tiếp đa văn hóa thông qua các chuyên gia, giảng viên tình nguyện đến từ nhiều nước, chương trình giao lưu với sinh viên nước ngoài, trại hè sinh viên tình nguyện. Ngoài học tiếng Anh, sinh viên lựa chọn học thêm một trong ba ngoại ngữ đang thiếu trong ngành Du lịch là tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc.

Đổi mới quản lý và tổ chức đào tạo

Xây dựng trang thông tin điện tử phục vụ quản lý theo phương thức đào tạo tín chỉ; cung cấp thông tin đáp ứng nhu cầu giảng viên và sinh viên. Tạo hứng thú người học qua việc sắp xếp trình tự học các học phần: năm thứ nhất đào tạo cái thích học (kỹ năng giao tiếp, chương trình thực tế…), năm thứ hai đào tạo cái cần học (học phần cơ sở ngành), năm thứ ba đào tạo cái phải học (học phần nghiệp vụ và học phần đại cương), năm thứ tư đào tạo nghề (thực tập và các môn quản trị). Đổi mới tổ chức thực hành: thực hành thường xuyên tại trường, tại doanh nghiệp: không ít hơn 50% tổng thời gian thực hiện chương trình, điều chỉnh giờ dạy thực hành gộp 2 tiết ra chơi một lần 10 phút, có như vậy giảng viên mới sửa kỹ các thao tác nghiệp vụ cho sinh viên.

Tổ chức điều chỉnh thực tập từ 2 đợt thành 3 đợt, căn cứ tính mùa vụ du lịch, đặc thù của từng chuyên ngành. Mở rộng không gian thực tập không chỉ trong nước mà còn ở các nước ASEAN và thế giới; đồng thời cũng là đầu mối tiếp nhận và hướng dẫn sinh viên của các nước ASEAN đến Việt Nam thực tập.

Liên kết liên doanh, xã hội hóa trong đào tạo

Xây dựng mô hình đào tạo nhà trường – doanh nghiệp, tuyển sinh theo nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường xây dựng giáo trình theo đặt hàng; học viên học lý thuyết tại trường và thực hành tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia tuyển sinh, kiểm tra thi cử và khâu thực hành. Hợp tác với các cơ sở đào tạo nước ngoài xây dựng chương trình bồi dưỡng ngắn hạn từ 2 tuần đến 3 tháng, tìm hiểu văn hóa, tham quan di tích và danh thắng tiêu biểu của Quảng Ninh; phối hợp với chuyên gia trong và ngoài nước tổ chức tư vấn, phổ biến kinh nghiệm phát triển du lịch cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Tìm kiếm đối tác tổ chức hoạt động liên doanh, liên kết, đầu tư đào tạo theo mô hình: đầu tư  “công” quản trị “tư”, hoặc  đầu tư “tư” quản trị “công…

Đảm bảo đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học

Đảm bảo đủ phòng học, đầu tư thiết bị giảng dạy, học tập và nghiên cứu theo hướng đồng bộ, các phòng thực hành, thực nghiệm, phần mềm chuyên ngành đạt chuẩn. Với chuyên ngành Quản trị Khách sạn, Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống, xây dựng khách sạn thực hành với các phòng nghỉ được đầu tư đạt tiêu chuẩn khách sạn từ 3 sao đến 5 sao, cùng các phòng thực hành bếp, phòng thực hành lưu trú, phòng thực hành pha chế trang thiết bị, phần mềm hỗ trợ đạt chuẩn có mở cửa phục vụ đón khách tạo cơ hội cho sinh viên thực tập hàng ngày, vừa được cọ sát với thực tế công việc, vừa tạo nguồn thu cho nhà trường. Với chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đầu tư các mô hình học tập như: tàu thủy, tàu khách, tàu cao tốc, máy bay, tàu hỏa… các phòng học ảo, tổ chức sự kiện, khai thác giá trị nhân văn của các địa danh, di tích lịch sử, văn hóa xã hội… tạo không gian cho người học thực sự bước vào “thực tế” nghề nghiệp ngay trên giảng đường. Ngoài ra, cũng cần triển khai hệ thống e-learning với hệ thống thiết bị và các phần mềm chuyên dùng đảm bảo người học tiếp cận các nguồn học liệu tốt nhất.

Ngoài ra, Trường Đại học Hạ Long cũng cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp hỗ trợ trực tiếp công tác đào tạo như: gắn đào tạo với sử dụng, nghiên cứu khoa học, hình thành các nhóm nghiên cứu, hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng dịch vụ; mở rộng hợp tác quốc tế phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; xây dựng môi trường văn hóa trong trường học; khẳng định thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm đầu ra…

Xây dựng cơ chế đặc thù trong đào tạo ngành Du lịch là bước khởi động để thực hiện chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Một trong những điều kiện để thực cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực ngành Du lịch đó là sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Hy vọng, những giải pháp đề xuất sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành du lịch đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực du lịch của Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đào tạo du lịch được Trường Đại học Hạ Long xác định là ngành đào tạo mũi nhọn, nên đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho tỉnh và khu vực. 

Tạp chí Du lịch tháng 9/2018
TS. Phan Thị Huệ

 

 

 

 

BÌNH LUẬN