Chủ Nhật, 19/12/2021 | 19:18 GMT +7

Hội thảo khoa học Quốc gia “Vị trí, vai trò của Thiên Long Uyển trong Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288”

Sáng 18/12/2021, tại Trường Đại học Hạ Long (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), đã diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Vị trí, vai trò của Thiên Long Uyển trong Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288” . Hội thảo do Trường Đại học Hạ Long, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức.

Tham gia Hội thảo đại diện đơn vị chủ trì có: TS. Trần Trung Vỹ (Bí thư Đảng ủy, P. Hiệu Trưởng điều hành Trường Đại học Hạ Long); GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn), Ông Hoàng Vĩnh Khuyến (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh).
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực khảo cổ và lịch sử của Việt Nam như: GS.TSKH Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam); GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), GS.TS. Nguyễn Văn Kim (Phó Chủ tịch Hội đồng di sản Quốc gia) , PGS.TS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam) cùng nhiều nhà khoa học đến từ các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế; Đại diện lãnh đạo sở và lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuât tỉnh; Đại diện lãnh đạo các địa phương: Thành phố Uông Bi, Thị xã Đông Triều, thị xã Quảng Yên; Đại diện các giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Hạ Long…

Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “Vị trí, vai trò của Thiên Long Uyển trong chiến thắng Bạch Đằng năm 1288”

Tại Hội thảo, sau phát biểu Khai mạc của Tiến sĩ Trần Trung Vỹ (Bí thư Đảng ủy, P. Hiệu Trưởng Trường Đại học Hạ Long) và phát biểu chào mừng của đồng chí Hoàng Vĩnh Khuyến (Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Quảng Ninh), PGS.TS Vũ Văn Quân (Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn) đã đại diện tập thể các nhà khoa học tham gia đề tài công bố Kết quả nghiên cứu di tích Thiên Long Uyển.

Tiến sĩ Trần Trung Vỹ (Bí thư Đảng ủy, P. Hiệu Trưởng điều hành Trường Đại học Hạ Long) phát biểu Khai mạc Hội thảo

Đ/c Hoàng Vĩnh Khuyến (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh) phát biểu chào mừng

Thiên Long Uyển là tên gọi dùng để chỉ khu vực nằm trong cụm núi đá vôi bên tả ngạn sông Bạch Đằng. Dưới thời Trần, nơi này gọi là Thiên Liêu sơn, thuộc trang Ma Liêu, nay thuộc thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, TX Đông Triều. Sở dĩ khu vực này được gọi là Thiên Long Uyển bởi tại đây có bia khắc trực tiếp vào núi đá 3 chữ Thiên Long Uyển bằng chữ Hán, tức là vườn nghìn rồng. Cách bia Thiên Long Uyển khoảng 100m về phía Đông là tấm bia Tam Bảo địa tức đất Tam Bảo, cũng khắc trực tiếp vào vách núi đá, niên hiệu Thiệu Phong thứ 8 (1348), đời vua Trần Dụ Tông, ghi chép việc công chúa Bảo Hoàn và Trần Khắc Chung cúng đất trang Ma Liêu làm của Tam Bảo (của nhà Phật, của chùa). Gần tấm bia này hiện vẫn còn một ngôi chùa nhỏ của thôn.

Nằm ở khu vực phân bố dày đặc di tích, Thiên Long Uyển được giới nghiên cứu khoa học rất quan tâm. Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã ra Quyết định số 4138/QĐ-BVHTT&DL ngày 22/11/2019 cho phép Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh khai quật khảo cổ tại di tích Thiên Long Uyển. Theo đó, di tích sẽ được khai quật trên diện tích 300m2 trong thời gian 2 tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Nguồn kinh phí khai quật do Trường Đại học Hạ Long cấp từ nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu đánh giá giá trị lịch sử văn hóa của di tích Thiên Long Uyển và khu vực Yên Đức trong tổng thể di tích Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 và đề xuất phương án bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích”, thực hiện theo Quyết định số 2825/QĐ-UBND ngày 11/7/2019 của UBND tỉnh.

PGS.TS Vũ Văn Quân (Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn) đã đại diện tập thể các nhà khoa học tham gia đề tài công bố Kết quả nghiên cứu di tích Thiên Long Uyển.

Cũng tại Hội thảo, các Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà nghiên cứu lịch sử đã có nhiều tham luận, đóng góp ý kiến: “Vị thế của Đông Triều trong chiến thắng Bạch Đằng năm 1288” (GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam); “Địa thế và vai trò của các bãi cọc trong chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 – Nhận thức từ những kết quả nghiên cứu khảo cổ học gần đây” (TS Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam), “Xác định niên đại Cacbon phóng xạ của di tích khảo cổ học Thiên Long Uyển và Cúc Bồ” (GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn)… Các tham luận đã góp phần lí giải các vấn đề liên quan đến vị trí, vai trò của Thiên Long Uyển trong chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.

Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Kết quả của Hội thảo cũng là cơ sở để Đại học Hạ Long đề xuất UBND tỉnh, các sở ngành về việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích Thiên Long Uyển; đóng góp luận cứ khoa học để Quảng Ninh phối hợp với các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương xây dựng Hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Bạch Đằng là di sản văn hóa thế giới.

TTTV

BÌNH LUẬN