Thứ Năm, 12/12/2019 | 16:09 GMT +7

Chuyên gia năng lượng tái tạo đến từ Hà Lan tập huấn cho sinh viên Khoa Môi trường về hệ thống điện mặt trời không kết nối lưới điện quốc gia

Ngày 10 tháng 12 năm 2019, Tiến sĩ Wilhelmus Corneils Nuijen chuyên gia cao cấp về năng lượng tái tạo của tổ chức PUM - Hà Lan có buổi tập huấn về cách tính toán vật tư thiết bị dựa theo nhu cầu sử dụng và cách lắp đặt hệ thống điện mặt trời không kết nối với lưới điện quốc gia và hệ thống nước nóng từ năng lượng mặt trời cho sinh viên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Hạ Long.

Ngày 03 tháng 12 năm 2019, Khoa Môi trường, Trường Đại học Hạ Long đã được chào đón Tiến sĩ Wilhelmus Corneils Nuijen  – chuyên gia cao cấp về năng lượng tái tạo của tổ chức PUM – Hà Lan về làm việc đến ngày 14/12/2019. Trong thời gian làm việc tại trường Đại học Hạ Long, chuyên gia sẽ tập huấn, chuyển giao và tổ chức hội thảo chia sẻ các thông tin về tiềm năng và hướng ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo; khảo sát, tư vấn về các giải pháp năng lượng thay thế phù hợp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, doanh nghiệp thuỷ sản, công nghiệp, du lịch tại Quảng Ninh, đặc biệt là việc tiếp cận và sử dụng các nguồn năng lượng thay thế.

Lần thứ 2 đến với Đại học Hạ Long, Tiến sĩ Wilhelmus Corneils Nuijen đã mang theo nhiều vật tư, thiết bị để hướng dẫn sinh viên Khoa Môi trường, trường Đại học Hạ Long tìm hiểu và tính toán để tự thiết kế, lắp đặt hệ thống điện mặt trời dựa trên nhu cầu sử dụng điện của gia đình, trang trại, nhà xưởng và mô hình hệ thống nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời trên mái nhà.

Ngày 9/12/2019, Chuyên gia đã có buổi tập huấn cơ sở lý thuyết về năng lượng mặt trời, các nguyên lý và thiết bị cần thiết để thiết lập hệ thống nước nóng dùng năng lượng mặt trời và hệ thống điện mặt trời không kết nối lưới điện quốc gia cho sinh viên Khoa Môi trường. Đồng thời, chuyên gia cũng phân tích tiềm năng ứng dụng của nguồn năng lượng tái tạo này trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt hằng ngày tại miền Bắc Việt Nam.

Qua một ngày tham gia lớp tập huấn, các em đã thấy rõ lợi ích kinh tế khi đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời, hệ thống nước nóng dùng năng lượng mặt trời trên mái nhà giúp giảm phần lớn chi phí cho hoá đơn tiền điện tại gia đình; đồng thời, giải pháp này còn góp phần làm giảm lượng phát thải khí nhà kính do giảm nhu cầu sử dụng điện từ lưới điện quốc gia Việt Nam – nguồn điện với 34% được tạo ra từ nhiên liệu hoá thạch, 38% tạo ra từ các nhà máy thuỷ điện. Thuỷ điện tuy là một nguồn năng lượng tái tạo nhưng việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện cũng có tác động rất lớn đến địa chất địa mạo, hệ sinh thái trong vùng xây dựng do đó chúng ta không nên phát triển ồ ạt.

Sau một ngày được học về cơ sở lý thuyết, tự tính toán nhu cầu sử dụng điện của một chủ thể từ đó tính toán để tự thiết kế hệ thống điện mặt trời với các thiết bị đáp ứng tải lượng theo nhu cầu sử dụng. Các sinh viên tham gia chương trình tập huấn rất hứng thú với giải pháp, và quyết tâm sẽ triển khai lắp đặt thử nghiệm tại gia đình, sau đó sẽ ứng dụng vào các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp khi đã thành thạo kỹ thuật triển khai. Sau khi được tập huấn kỹ về điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời cũng như hệ thống làm nóng nước bằng năng lượng mặt trời, sinh viên đã đưa ra những câu hỏi về các hướng ứng dụng vào sản xuất, đời sống và được chuyên gia góp ý, tư vấn về chuyên môn. Qua đó, rất nhiều ý tưởng về hướng nghiên cứu ứng dụng điện mặt trời vào cuộc sống, sản xuất kinh doanh tại địa phương được đề xuất và nhận được sự đồng tình ủng hộ về chuyên môn của Chuyên gia.

Kết thúc buổi tập huấn, Chuyên gia Wil Nuijen chia sẻ: ông rất vui vì sinh viên rất hứng thú với chương trình tập huấn, các em rất tích cực, chủ động tìm hiểu và đưa ra những câu hỏi để được chuyên gia giải đáp cho những thắc mắc của mình. Đồng thời, rất nhiều ý tưởng ứng dụng hệ thống điện mặt trời đã được sinh viên đề xuất, ông khẳng định đó là những hướng ứng dụng khả thi, phù hợp với điều kiện sản xuất, đời sống tại Việt Nam nên ông sẵn sàng tiếp tục tư vấn, giải đáp để sinh viên hoàn thiện ý tưởng, giải pháp của mình sau khi đã kết thúc chuyến công tác tại Đại học Hạ Long và trở về Hà Lan.

Một số hình ảnh trong chuyên gia PUM – Hà Lan tại Trường Đại học Hạ Long:

Buổi gặp mặt chào đón tiến sĩ Wilhelmus Corneils Nuijen về làm việc tại Khoa Môi trường Trường Đại học Hạ Long

Chuyên gia tập huấn thiết lập hệ thống điện mặt trời không kết nối lưới điện quốc gia cho sinh viên trong nhà và ngoài thực địa

Các loại vật tư, thiết bị cần thiết cho một hệ thống điện mặt trời mini

Sinh viên tìm hiểu về nguyên lý và thực tập lắp đặt hệ thống điện mặt trời

Khoa Môi trường

BÌNH LUẬN