Thứ Tư, 5/2/2020 | 16:31 GMT +7

Hướng dẫn quy trình mời giảng viên thỉnh giảng

Kể từ ngày 01/01/2020, việc mời giảng viên thỉnh giảng được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 233/2019/NQ-HĐND ngày 07/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 425/QĐ-UBND ngày 10/02/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Quy trình mời giảng viên thỉnh giảng hưởng chế độ theo Nghị quyết số 233/2019/NQ-HĐND như sau:

1. Xây dựng kế hoạch mời giảng viên thỉnh giảng:

a) Các khoa căn cứ chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên hiện có để xác định nhu cầu mời giảng viên thỉnh giảng cho năm tài chính tiếp theo.

Các nội dung mà khoa cần xác định:

– Khối lượng thỉnh giảng tối đa chiếm 30% tổng khối lượng các môn chuyên ngành của ngành đào tạo đại học.

– Xác định học phần, số tín chỉ, lớp cần mời thỉnh giảng.

– Xác định đối tượng giảng viên dự kiến sẽ mời:

+ Trong nước hay nước ngoài;

+ Học hàm, trình độ chuyên môn: giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ;

+ Các yêu cầu đặc thù khác.

Các khoa (bộ môn) chủ động liên hệ, tìm nguồn giảng viên thỉnh giảng để đăng kí kế hoạch mời dạy. Trước ngày 15 tháng 6 hằng năm, các khoa gửi bản đăng kí nhu cầu mời giảng viên thỉnh giảng (theo mẫu số 1) về Phòng Đào tạo.

b) Phòng Đào tạo tập hợp nhu cầu từ các khoa, tiến hành thẩm định và xây dựng kế hoạch mời giảng viên thỉnh giảng chung của toàn trường, tham mưu đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt kế hoạch. Thời gian hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 hàng năm.

2. Căn cứ kế hoạch mời giảng viên thỉnh giảng đã được Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, Phòng Kế hoạch – Tài chính bổ sung kinh phí thỉnh giảng vào dự toán kinh phí cho năm tiếp theo trình Sở Tài chính thẩm định và phê duyệt.

3. Căn cứ kế hoạch mời giảng viên thỉnh giảng đã được phê duyệt, các khoa chủ động liên hệ giảng viên đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của Nghị quyết số 233/2019/NQ-HĐND và gửi công văn mời giảng viên (mẫu công văn có sẵn tại bộ phận Văn thư). Các khoa (bộ môn) tập hợp hồ sơ đăng kí thỉnh giảng của giảng viên được mời, gửi về Phòng Tổ chức – Cán bộ. Hồ sơ gồm có:

(1) Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân;

(2) Lý lịch khoa học (có xác nhận của cơ sở giáo dục đại học mà giảng viên công tác gần nhất);

(3) Bản sao quyết định phong giáo sư, phó giáo sư; bằng Tiến sĩ (đối với đối tượng yêu cầu trình độ tiến sĩ), bằng thạc sĩ (đối với đối tượng yêu cầu trình độ thạc sĩ).

(4) Phiếu đăng kí mời giảng đối với từng giảng viên (theo mẫu số 2).

Ngoài ra, nếu các giấy tờ nêu trên chưa đủ để minh chứng cho việc giảng viên được mời đã đúng đối tượng và đủ tiêu chuẩn theo quy định thì khoa (hoặc bộ môn) có thể yêu cầu giảng viên bổ sung thêm một số giấy tờ cần thiết khác.

4. Căn cứ kế hoạch thỉnh giảng đã được phê duyệt và bộ hồ sơ mời giảng, Phòng Tổ chức – Cán bộ tham mưu Ban Giám hiệu kí kết hợp đồng thỉnh giảng.

5. Các khoa có giảng viên thỉnh giảng phối hợp với Phòng Đào tạo sắp xếp lịch giảng; phối hợp với Phòng Đào tạo và Phòng Thanh tra, khảo thí và đảm bảo chất lượng trong việc quản lí nền nếp, chương trình và chất lượng giảng dạy (sau khi đã thống nhất lịch giảng dạy, Phòng Đào tạo thông báo lịch giảng tới Phòng Thanh tra, khảo thí và đảm bảo chất lượng và các khoa, phòng liên quan để phối hợp quản lí).

6. Kết thúc mỗi đợt thỉnh giảng, các khoa (hoặc bộ môn) chủ trì phối hợp với Phòng Đào tạo xác nhận việc giảng viên đã hoàn thành công việc theo hợp đồng (theo mẫu số 3). Trên cơ sở xác nhận của khoa (hoặc bộ môn) và Phòng Đào tạo, Phòng Tổ chức – Cán bộ tham mưu kí biên bản thanh lí hợp đồng thỉnh giảng; Phòng Kế hoạch – Tài chính tham mưu thanh toán và quyết toán.

7. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu cần điều chỉnh kế hoạch mời giảng viên thỉnh giảng thì khoa (hoặc bộ môn) đề xuất với Phòng Đào tạo để Phòng Đào tạo tham mưu đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Các mẫu văn bản tải từ đây

BÌNH LUẬN