Thứ Ba, 5/11/2019 | 16:30 GMT +7

Những điểm mới của Luật Giáo dục 2019

Luật Giáo dục năm 2019 vừa được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020. Sau đây là một số nội dung nổi bật của Luật:

  1. 1. Nhà giáo được ưu tiên hưởng tiền đặc thù, xếp lương theo vị trí việc làm

Điều 76 Luật Giáo dục 2019 quy định về tiền lương của nhà giáo có nêu rõ nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.

Đây là quy định mới được bổ sung so với Luật Giáo dục 2005, Luật hiện hành chỉ quy định nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.

  1. Quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học

Điều 72. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo

Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non

Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;

          Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

  1. Luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13
  2. Bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận và việc chuyển đổi loại hình trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; quy định cụ thể vị trí, chức năng, thành phần hội đồng trường

Luật Giáo dục bổ sung quy định trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường.

Đồng thời, bổ sung nguyên tắc chuyển đổi loại hình nhà trường từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận và giao Chính phủ quy định cụ thể (Điều 47).

  1. Luật quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm

          Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Cụ thể học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí. Quy định này nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách không phải đóng học phí của học sinh, sinh viên sư phạm quy định tại Luật Giáo dục hiện hành (Điều 85).

  1. Miễn học phí học sinh THCS và mầm non theo lộ trình từ ngày 01/7/2020

Theo Luật Giáo dục 2019, kể từ ngày 01/7/2020, học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí.

Ở các địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục tư thục sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Đối với trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang vien biển, hải đảo thì được miễn học phí.

Những trẻ em mầm non 05 tuổi không thuộc các đối tượng trên và học sinh trung học cơ sở sẽ được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.

7.Luật quy định về đầu tư và tài chính cho giáo dục

Luật Giáo dục quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước (khoản 1 Điều 96).

  1. Luật Giáo dục làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục

Luật Giáo dục đã bổ sung quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục, làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế hướng nghiệp, phân luồng và liên thông, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn, bảo đảm cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người và giao Chính phủ quy định cụ thể (Điều 9, Điều 10).

Trên đây là những điểm mới rất cơ bản của Luật giáo dục mới nhất năm 2019. Để tìm hiểu chi tiết cụ thể hơn mọi người đọc Luật số 43/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019.

 

BÌNH LUẬN