Thứ Ba, 28/5/2019 | 08:26 GMT +7

BIỂU TƯỢNG “MƯA” TRONG TRUYỆN NGẮN “MƯA NHÃ NAM”, “MƯA” VÀ “TRUYỆN TÌNH KỂ TRONG ĐÊM MƯA” CỦA NGUYỄN HUY THIỆP

Giãi mã biểu tượng trong tác phẩm văn học chính là cách tiếp cận văn học nghệ thuật dưới góc nhìn văn hóa. Mỗi tác phẩm văn học đều có thể chứa rất nhiều biểu tượng, mẫu gốc cũng như vô vàn các biến thể của nó. Bài viết tìm hiểu giãi mã một biến thể của nước- mưa trong ba truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp “Mưa Nhã Nam”, “Mưa” và “Chuyện tình kể trong đêm mưa” với những hướng nghĩa biểu trưng tiêu biểu: biểu trưng cho sức mạnh thần khải thức tỉnh ý thức cá nhân con người; cho mối hiểm nguy tiềm ẩn với đời sống con người và cho nỗi ám ảnh về thân phận tình yêu đôi lứa.

BIỂU TƯỢNG “MƯA” TRONG TRUYỆN NGẮN “MƯA NHÃ NAM”, “MƯA” VÀ “TRUYỆN TÌNH KỂ TRONG ĐÊM MƯA” CỦA NGUYỄN HUY THIỆP

                                                                                                                 ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lương

  1. Đặt vấn đề

Nguyễn Huy Thiệp là một trong những tên tuổi đặc biệt trong giới văn sĩ Việt Nam bởi khi mới bước vào làng văn, ông đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng. Ông đã làm được việc mà không phải nhà văn nào cũng làm được cho quá trình đổi mới văn học Việt Nam: “Từ một thế giới văn chương ổn định, mang nhiều tính chất hồn nhiên của Conte, lạc quan và lòng tin, chúng ta bước vào một thế giới bất ổn của đời sống thật, hàng ngày, đau khổ, và của những day dứt bất tận của nhân loại, đầy bi kịch” [4]. Với sự xuất hiện của ông, nền văn học Việt Nam nói chung và văn xuôi Việt Nam nói riêng đã thật sự đổi mới từ hình thức đến nội dung. Một trong những thủ pháp nghệ thuật góp phần tạo nên thành công ấy cho nhà văn, là cách dùng biểu tượng.

Biểu tượng không phải thuật ngữ dành riêng cho văn học mà nó được sử dụng rộng rãi trong đời sống và trong nhiều ngành khoa học và nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc, kiến trúc, tâm lý học, văn hóa học… Đối với văn học, biểu tượng là một phương tiện thẫm mỹ giúp văn học đi sâu thâm nhập vào thế giới bên trong con người, tạo nên một phương thức khám phá chiếm lĩnh đời sống theo chiều sâu mà bề nổi ngôn từ nghệ thuật khó chuyển tải được. Quá trình tìm hiểu biểu tượng trong tác phẩm nghệ thuật cũng chính là quá trình đi tìm bản chất, đi tìm những giá trị nhân sinh mà tác giả muốn gửi gắm tới bạn đọc thông qua biểu tượng. Trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, biểu tượng có nguồn gốc từ các sự vật hiện tượng mang những giá trị thẩm mỹ vừa của nhân loại lại vừa của dân tộc và mang đậm dấu ấn cá tính bản thân. Điển hình cho điều này là “nước” – một siêu mẫu trong văn hoá nhân loại, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những quốc gia nông nghiệp như Việt Nam. “Nước” xuất hiện nhiều trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và được phân hoá thành nhiều biến thể đa dạng như: biển, dòng sông, mưa, nước mắt…Trong các biến thể đa dạng ấy, “mưa” là biến thể xuất hiện nhiều nhất trong các truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Trong phạm vi một bài báo, chúng tôi chỉ giới hạn phạm vi nghiên cứu ở “biểu tượng Mưa trong ba truyện ngắn “Mưa Nhã Nam“, “Mưa” và “Truyện tình kể trong đêm mưa“.

  1. Nội dung

2.1. Nước – mẫu gốc của biểu tượng “mưa”

Xét ở góc độ nhân loại, “nước” có thể coi là một siêu mẫu trong văn hóa toàn nhân loại. Nước là một trong những biểu tượng văn hóa thế giới phổ quát nhất. Ý nghĩa biểu trưng của “nước” được quy về ba chủ đề chiếm ưu thế: nguồn sống, phương tiện thay tẩy, trung tâm tái sinh. Ba chủ đề này thường bắt gặp trong các truyền thuyết cổ xưa nhất và hình thành những tổ hợp hình tượng đa dạng nhất và cũng chặt chẽ nhất. Trong tâm thức nhân loại, “mưa” được coi là tác động của trời đối với đất, tác nhân của sự tái sinh, làm cho vạn vật cây cối sinh thành phát triển, mặt đất trở nên màu mỡ:

  Hỡi các thần Mitra và Varuna

     Mưa của trời làm căng phồng chất mật ngọt của mình…

                       Chúng tôi cầu xin các thần cho Mưa, cho sự sống, cho sự bất tử…

 Hỡi các vị Chúa tể, hãy gội tắm chúng tôi bằng

                                                                Sữa trời!

Các thần làm trời Mưa xuống, đỏ chót, trong ngần (VEDV, 88)

                                                                                       [1; 609]

Theo Kinh Dịch của người Trung Quốc, Mưa có gốc ở quẻ Càn, là bản nguyên chủ động của Trời, từ đó có mọi dạng hiện hữu. Sách Risalat của Ibn al – Wallid coi Mưa trời, nước thượng đẳng, là phần tử gốc trong vũ trụ, tương đương với tinh khí…“Hỡi những tầng mây, hãy sa mưa móc xuống, hãy đổ sự công bình (hoặc thắng lợi) xuống đất! Đất hãy tự nẻ ra đặng sinh sự cứu rỗi” [1; 608].

Xét ở góc độ dân tộc, “nước” là một biểu tượng văn hóa đặc thù trong tâm thức của người Việt – nhóm cư dân trồng lúa nước điển hình ở Đông Nam Á, là chủ nhân quan trọng của nền văn minh lúa nước trong khu vực này. Trong biểu tượng văn hoá đặc thù này, “mưa” chính là một biến thể quan trọng nhất. Lí giải điều này, người ta cho rằng trong cuộc sống nhân loại từ cổ sơ không thể thiếu được những nghi thức như: Cầu mưa, nằm phơi mình ngoài nắng để kêu gọi thần dông bão kéo đến…

Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, hình ảnh “mưa” đặc biệt xuất hiện nhiều, có thể coi là biến thể xuất hiện nhiều nhất của mẫu gốc Nước. Mưa trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vì thế mang ý nghĩa biểu trưng của một biểu tượng văn hoá. Mưa trở thành một biểu tượng vừa thấm đẫm những cảm quan chung của vô thức cộng đồng, vừa mang đậm dấu ấn riêng của phong cách tác giả.

2.2. Mưa – biểu trưng cho sức mạnh thần khải thức tỉnh ý thức cá nhân con người

Trong giáo thuyết đạo Hinđu, Mưa được ví như “đấng anh linh ẩn mình trong các giọt mưa để đi từ mặt trăng xuống mặt đất. Mưa của mặt trăng cũng mang ý tượng trưng thường thấy về khả năng sinh sản dồi dào, về sự làm sống lại. Mưa là ơn trời, và cũng là đức hiền minh. Sư phụ Huệ Năng dạy rằng: “Đức hiền minh cao cả nhất trong bản chất của mỗi con người có thể ví với mưa” [1; 608].

Như vậy Mưa mang trong mình sức mạnh thần linh có khả năng thức tỉnh con người ở tận cùng ý thức của chúng. Với ý nghĩa biểu trưng này, Mưa thường đi kèm với hình ảnh giông, chớp. Sự kết hợp các biểu tượng sẽ bổ sung ý nghĩa biểu trưng cho nhau.

Chớp, đặc trưng là “một luồng sáng đột hiện giữa bầu trời, được coi là lửa của trời, có sức mạnh vô biên và tác động nhanh đáng sợ. Chớp tượng trưng cho sự thông hiểu bằng trực giác, bằng lí trí hoặc nhờ sự khải ngộ đột nhiên. Mưa đi đôi với chớp, do đó, giống như một thứ sức mạnh thần khải soi sáng đầu óc con người để các nhân vật ngộ ra những chân lí mà bấy lâu nay họ chưa từng biết” [3].

Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp những cơn mưa như thế gọi là “mưa nhiệt đới“, được tác giả đối lập với loại “mưa bóng mây, một thứ mưa xoàng“. Trong truyện “Mưa Nhã Nam“, biểu tượng “mưa” gắn liền với câu chuyện kể về nhân vật lịch sử Hoàng Hoa Thám, cụ thể là đoạn chuyện kể ông Đề Thám trở về Phồn Xương sau bữa tiệc tiếp tân ở dinh công sứ Bắc Giang, trên đuờng về gặp Xoan – người con gái mà trước đó được gả cho con trai ông đồ Hoạt, người quen ông. Xoan níu kéo muốn đi theo Đề Thám và trên đường đi hai nguời đã gặp một cơn mưa: “Mưa tháng Tư là mưa thứ mưa đầu mùa ở vùng nhiệt đới. Nhoằng một ánh chớp, một làn gió thoảng qua là mưa liền, không sao lường được. Bắt đầu tưởng là cơn mưa bóng mây không phải ngại gì, bỗng thoắt là mưa đá, sấm rền, sét nổ. Mưa như roi quất, tàn bạo, hung hãn. Mây đen cuồn cuộn, gió giật liên hồi rồi mưa như những thác nước trên cao đổ xuống ào ào” [5; 271].

Cơn mưa này khiến Đề Thám không thể đi về Phồn Xương đành phải quay ngựa về Kế, chỗ ở của ông đồ Hoạt. Cơn mưa nhiệt đới với ánh chớp, sấm rền, sét nổ đã như một luồng điện vụt qua soi sáng đầu óc con người, có sức mạnh thần khải thức tỉnh trong Đề Thám nhiều điều trước đây chưa từng biết. Mà điều ngộ khải đầu tiên là sự hữu hạn của cá nhân bởi trách nhiệm và bổn phận với xã hội và cộng đồng – cái mà ông gọi là điều thiện:

“Mưa như thế, bắt đầu từ lâu rồi

Trên mặt đất, những con bọ cứ bò lổm ngổm

Tôi không biết con người khát khao điều gì trong cõi sống này?

Hình như điều thiện bắt đầu từ

                                   tình yêu phải không?

Điều thiện buồn tẻ vì nó nhạt nhẽo

Điều thiện tầm thường vì nó an toàn

                        Điều thiện tệ hại vì nó giết đi đam mê…”  [5; 271]

Đam mê thuộc phần bản năng, trách nhiệm bổn phận thuộc về ý thức cá nhân. Sống có ý thức với cộng đồng là cách con người vươn tới điều thiện, là điều khiến con người trở nên cao cả. Vị Đề Thám trong cơn mưa đầu tháng Tư bất chợt đã ngộ khải ra điều đó “Đề Thám phóng ngựa vào rừng. Mưa quất vào mặt ông bỏng rát. Ông bỗng oà khóc. Ông oà khóc cho mình, cho người, cho tất cả những hữu hạn của chính mình, của mỗi người…Ông khóc như một người nhu nhược nhất đời, một người suốt đời thoả hiệp, không bao giờ dám bước qua lằn ranh bổn phận, nghĩa vụ, cương toả” [5; 272].

2.3. Mưa – biểu trưng cho mối hiểm nguy tiềm ẩn với đời sống con người

            Thông thường, mưa biểu trưng cho nguồn ân phúc, nguồn lộc trời ban. Mưa bao giờ cũng gắn với những điều tốt lành. Mọi người mong mưa và làm nhiều nghi lễ cầu mưa. Thế nhưng thực tế đời sống, mưa cũng có thể trở thành một hiểm hoạ. Ấy là khi mưa to có thể gây ra lũ lớn, gây ngập lụt, ảnh hưởng đến đời sống nông nghiệp của người dân thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng con người. Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, những cơn mưa mang ý nghĩa biểu trưng này thường xuất hiện. Bởi ông là một nhà văn nhiều lo âu, trăn trở về cuộc sống, về con người thời đại. Những khắc khoải của nhà văn về sự bất an, niềm nghi hoặc, nỗi cô đơn bản thể trong mỗi con người biểu hiện qua những cơn mưa lũ. Lúc này, mưa không chỉ đi kèm với giông tố, sấm chớp mà còn đi liền với gió lạnh, tiếng hổ gầm, sói hú…Ta bắt gặp hướng nghĩa biểu trưng này tiêu biểu trong “Truyện tình kể trong đêm mưa“:

Mùa hè năm ấy, tôi phải ở lại trông nom, bảo vệ trường học. Mưa lũ kéo dài từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 9 khiến nơi tôi ở không khác gì một ốc đảo. Số gạo dự trữ sắp hết. Tôi rất buồn rầu và thương thân mình” [5; 538]. Như vậy cơn mưa mang trong mình sự đe doạ tiềm ẩn đối với sự sống con người. Sự đe doạ này đôi khi hiện hữu cụ thể:

Loay hoay hết buổi, tôi không làm sao vượt qua được thung lũng ngập đầy nước. Tôi không dám liều mạng bởi tôi không thuộc địa hình ở đây, nếu bị nước cuốn vào một khe hẻm coi như tôi toi mạng” [5; 539].

Cũng có khi sự nguy hiểm ấy nằm tận đáy sâu tâm hồn con người. Những nguy hiểm mà ta nhìn thấy được thì dù khó khăn đến đâu ta vẫn có thể có cơ hội giải quyết. Nhưng khi nguy hiểm bắt nguồn từ bên trong con người thì vừa khó xác định lại vừa khó vượt qua. Đó là sự bất an, là nỗi cô đơn bản thể. Nó giống như một rào cản vô hình khép kín cái tôi trong một vỏ ốc an toàn nhưng càng thu mình con người lại càng cô đơn hơn:

                                  Pò mệ ơi! Bố mẹ ơi…

Pò mệ sinh con từ hang núi.

Nơi ấy có nhiều gió, lạnh lắm

Đêm mưa, nhiều gió lạnh lắm

Tiếng hổ gầm, tiếng chó sói hú

Những con rắn, con trăn tìm mồi

Bọn cáo chồn hôi hám rình mò

Con don, com dím nấp trong hang

Con mình trần thân trụi run rẩy

Gió lạnh lùa vào ngực con…” [5; 542]

Người Việt thường hay dùng cụm từ “mưa gió cuộc đời” để khái quát lên những buồn đau, những khó khăn mà cuộc đời táp vào nhiều số phận. Mưa kết hợp với gió vì thế vốn là biểu trưng quen thuộc cho sự khó khăn, gian nan của kiếp người. Nhưng ở đây, cái mới của Nguyễn Huy Thiệp nói như Lê Thị Hồng Hạnh là “mưa gió cuộc đời được sử dụng để làm bật lên nỗi lo âu khắc khoải về sự sống mong manh, về nỗi cô đơn định mệnh cuả kiếp người” [3].

2.4. Mưa – biểu trưng cho nỗi ám ảnh về thân phận tình yêu đôi lứa

Trong tâm thức người Việt có một sự tích buồn gắn liền với những cơn mưa – sự tích Ngưu Lang Chức Nữ. Dải Ngân Hà cách trở tình yêu đôi lứa và họ chỉ đựợc gặp nhau một lần duy nhất trong năm vào đêm mùng 7 tháng 7. Khi chia tay đôi tình nhân đã để lại những giọt nước mắt quyến luyến rơi xuống trần gian, gọi tên là mưa Ngâu. Giọt mưa từ đó rất gần gũi với giọt khóc, giọt buồn. Và khi kết hợp với biểu tượng Nước mắt, Mưa lúc này sẽ mang hướng nghĩa biểu trưng cho những thân phận tình yêu trắc trở. Đây là nét nghĩa xuất hiện ở cả ba truyện ngắn “Mưa Nhã Nam”, “Mưa” và “Truyện tình kể trong đêm mưa”.

Trong “Mưa Nhã Nam” có đoạn: “Những giọt nước mưa mặn chát ướt đầm trên khuôn mặt ông. Ông nhảy lên ngựa rồi phóng thẳng vào trong màn mưa dày đặc, màn đêm dày đặc” [5; 271]. Nước mưa có vị mặn của nước mắt, nó hiện lên trong một đêm đen ảm đạm và dữ dội, ấy là cảnh hay cũng là lòng nhân vật vậy.

Đến “Truyện tình kể trong đêm mưa” ngay từ cái tên đầu đề của truyện ta đã thấy nhà văn dùng mưa không chỉ giản đơn như làm khung cảnh nền cho câu chuyện tình buồn của nhân vật An Kì Sinh xảy ra. Mưa còn như một dấu hiệu dự báo về sự trắc trở không thành của tình yêu “Đêm về khuya, mưa ngày càng nặng hạt. Mưa thấm vào đất, vào vách nhà, vào lòng người…” [5; 544]. Mưa lúc này mang nặng tâm sự của chủ thể người. Tiếng mưa xuất hiện trong lời hát “tê tái” trong “tâm trạng cô đơn lạnh buốt lẫn lộn với những khát khao nồng nàn“. Tiếng mưa rơi khiến nhân vật tôithao thức” và “chập chờn” mơ về “hình ảnh trái tim mềm mại, ướt át, phập phồng rơi trên đất lạnh và ngôi nhà nhỏ có cửa sổ rộng. Những hình ảnh ấy phải chăng là nỗi ám ảnh thân phận tình yêu đôi lứa của hai người” [5; 545]. An Kì Sinh đã dành cả cuộc đời cho một tình yêu ảo tưởng với Muôn, tình yêu không thành, anh định cư bên Mỹ nhưng tâm hồn vẫn không nguôi nhớ Muôn, dù tình yêu lúc này với anh là “hung thần” nhưng trọn đời anh vẫn bị hung thần tình yêu ấy ám ảnh, giống như cơn mưa đêm ấy nơi New York, thứ “mưa như ở vùng Tây Bắc Việt Nam, một thứ mưa nhiệt đới dai dẳng, tưởng như không dứt, tưởng như không thôi, tưởng như không bao giờ hết được…” [5; 537]. Câu chuyện tình trên trang giấy đã khép lại nhưng thực chất lại vẫn như còn đó, chưa kết thúc.

Sang truyện ngắn “Mưa“, câu chuyện tình được kể trong bối cảnh một buổi sáng trời mưa, bên một quán coffee “tồi tệ nhất thành phố“. Sự im lặng và tiếng mưa rơi được lặp đi lặp lại trong kết cấu tác phẩm. Câu văn “Nghe rõ tiếng mưa rơi” được lặp lại 9 lần trong toàn chuyện vừa làm tăng cái vắng lặng, lạnh ngắt của không gian, vừa có sức ám ảnh về thân phận tình yêu đôi lứa “Tiếng mưa rơi buồn không chịu được” [5; 412]. Một câu chuyện thời gian, địa điểm rõ ràng nhưng nội dung lại chỉ xoay quanh câu chuyện phiếm của hai người phụ nữ. Ai biết “chàng trai” mà hai người phụ nữ nhắc là ai, chỉ biết là cả chàng trai ấy và hai người phụ nữ kia đều không có đuợc một tình yêu trọn vẹn. Chàng trai, người phụ nữ tên M, người phụ nữ tên N, nhân vật tôi và nhân vật “em” ngỡ như không có sợi dây liên hệ nào thì lại được Mưa gắn kết. Họ cùng không hạnh phúc, cùng có một tình yêu trắc trở. Người thì “vừa đánh buột mất hạnh phúc” người thì “đang có hạnh phúc trong tay, nhưng không khéo cũng đánh buột mất“.

  1. Kết luận

Có thể nói “Mưa” là biểu tượng có sức ám ảnh lớn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp nói chung và trong ba truyện ngắn “Mưa Nhã Nam”, “Mưa” và “Truyện tình kể trong đêm mưa” nói riêng. Biểu tượng Mưa có vai trò quan trọng trong kết cấu các tác phẩm. Vì vậy, việc đi tìm và giải mã những hướng nghĩa biểu trưng của nó trong ba tác phẩm tiêu biểu của ông cũng là một cách để ta hiểu hơn về tác phẩm, về ngụ ý thẩm mĩ của nhà văn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Alain Gheerbrant, Iean Chevalier (1997), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, NXB Đà Nẵng.

2. Nguyễn Đăng Điệp (2002), Cuốn theo chiều văn Nguyễn Huy Thiệp, đăng trên

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=204&rb=08 ngày 03/01/2002.

3. Lê Thị Hồng Hạnh (2009), Biểu tượng nước trong truyện ngắn nguyễn Huy Thiệp, đăng trên https://ngahuuthontamvodungu.wordpress.com/cam-nhan-truyen/bieu-tuong-nuoc-trong-truyen-ngan-nguyen-huy-thiep/

4. Đỗ Đức Hiểu (2010), Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, đăng trên http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c206/n5367/Di-tim-Nguyen-Huy-Thiep.html vào ngày 19/04/2010.

5. Nguyễn Huy Thiệp (2003), Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, NXB Trẻ.

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN