Thứ Tư, 13/1/2021 | 10:13 GMT +7

THÔNG TIN ĐIỀU KIỆN MỞ NGÀNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC

rường Đại học Hạ Long là cơ sở giáo dục đại học có truyền thống và kinh nghiệm đào tạo các ngành sư phạm. Nhà trường tóm tắt các điều kiện mở ngành Giáo dục Tiểu học trình độ tại học tại trường.

  1. Sự cần thiết mở ngành Giáo dục Tiểu học

Về nhu cầu nguồn giáo viên tiểu học trên phạm vi cả nước:

Tính đến tháng 10/2018, số lượng đội ngũ giáo viên tiểu học trên toàn quốc là 395.848 người (công lập: 390.873 giáo viên, ngoài công lập: 4975 giáo viên). Theo số liệu các Sở Giáo dục và Đào tạo (trích từ Báo cáo đề dẫn số 2, Hội nghị Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, tháng 01/2019), so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; THCS: 10.143 người).

Luật giáo dục (sửa đổi) số 43/2019/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019, tại Điều 72, mục 1b có nêu trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học là “Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông”, Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Như vậy, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiểu học đạt chuẩn trình độ đại học theo quy định tại các địa phương là rất lớn (đa phần đội ngũ giáo viên tiểu học hiện tại có trình độ cao đẳng).

Về nhu cầu nguồn giáo viên tiểu học phục vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh:

Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, với diện tích tự nhiên (phần đất liền) hơn 6.100 km2, đứng thứ 21/63 tỉnh thành của Việt Nam; có 118 km đường biên giới đất liền với Trung Quốc và 250 km bờ biển. Dân số Quảng Ninh có gần 1,2 triệu người, đứng thứ 33/63 tỉnh thành; có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống (dân tộc thiểu số chiếm xấp xỉ 10%), có 14 đơn vị hành chính (04 thành phố, 02 thị xã, 08 huyện). Nằm ở phía Đông – Bắc Việt Nam, Quảng Ninh có vị trí địa lý quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội cũng như quốc phòng, an ninh của cả nước. Để khai thác có hiệu quả các tiềm năng của vùng đất được mệnh danh là “Việt Nam thu nhỏ” này, Quảng Ninh nhất thiết phải xây dựng, củng cố và phát triển được một nền giáo dục tốt, tạo nền tảng dân trí cao, ý thức xã hội, trách nhiệm công dân tốt cho nhân dân toàn tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 20.520 giáo viên (tính cả giáo viên Trung học phổ thông), trong đó, cấp Trung học cơ sơ có 4.028 giáo viên; Tiểu học có 5.827 giáo viên và Mầm non có 4.450 giáo viên (trích từ Số liệu thống kê của phòng Kế hoạch – Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh năm học 2017 – 2018).

Chính vì vậy, trong Nghị quyết số 217/NQ-HĐND ngày 15/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh thông qua quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, giai đoạn 2015 – 2030, tỉnh Quảng Ninh sẽ thành lập mới 64 trường học các cấp, trong đó có: 22 trường mầm non, 16 trường tiểu học, 14 trường trung học cơ sở.

Trong bối cảnh hiện nay, khi các trường sư phạm đang tuyển sinh khó khăn vì nhiều lí do khách quan và chủ quan, nhiều cơ sở đào tạo sư phạm đã tạm dừng tuyển sinh khối ngành sư phạm, trong đó có ngành Giáo dục Tiểu học. Điều này dẫn tới nguy cơ thiếu giáo viên trên diện rộng, trong đó có giáo viên tiểu học. Với đánh giá tình hình như vậy, căn cứ chức năng nhiệm vụ và sứ mệnh được giao, để tỉnh Quảng Ninh không rơi vào nguy cơ thiếu hụt giáo viên, chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực giáo dục (trong đó có giáo dục tiểu học) đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, có sự hiểu biết, tình cảm gắn bó lâu dài và ý thức cống hiến cho Quảng Ninh, việc Trường Đại học Hạ Long đào tạo ngành Giáo dục tiểu học trình độ đại học là hết sức cần thiết và ý nghĩa.

  1. Giới thiệu khái quát Trường Đại học Hạ Long

Quá trình xây dựng và phát triển

Trường Đại học Hạ Long được thành lập theo Quyết định số 1869/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Hạ Long trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long.

Trường Đại học Hạ Long là trường đại học công lập trực thuộc Tỉnh, mô hình đào tạo đa ngành, đa cấp, có trụ sở chính tại Thành phố Uông Bí.

Thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất; xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính nội bộ; xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ, tuyển dụng giảng viên trình độ cao, đáp ứng các điều kiện đào tạo trình độ đại học về công tác tại trường theo chế độ thu hút đặc biệt của tỉnh. Năm 2015, Trường Đại học Hạ Long đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo 05 ngành trình độ đại học năm học 2015-2016, 09 ngành năm học 2016 – 2017 và 2017 – 2018, 11 ngành năm học 2018 – 2019 và 2019 – 2020. Cho tới thời điểm hiện tại, Nhà trường đã tuyển sinh các khoá đạt 2878 sinh viên trình độ đại học. Nhà trường đã có 02 khoá sinh viên trình độ đại học tốt nghiệp với tổng số 539 sinh viên.

Đến nay, bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng viên cơ hữu của nhà trường đã đáp ứng được yêu cầu đào tạo trình độ đại học ở một số ngành (trong đó có ngành Giáo dục Tiểu học), chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường được củng cố, nâng cao. Kế thừa từ truyền thống và đội ngũ cán bộ giảng viên của trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh, trường Đại học Hạ Long có Khoa Sư phạm Tiểu học (nay là Khoa Sư phạm) thành lập ngày 01/01/2015 theo Quyết định số 17/QĐ-ĐHHL. Hiện nay, khoa Sư phạm Trường Đại học Hạ Long có 13 cán bộ, giảng viên, trong đó có 02 tiến sĩ, 11 thạc sĩ có kinh nghiệm nhiều năm đào tạo các ngành sư phạm).

Các ngành và trình độ đào tạo

Hiện nay, Trường Đại học Hạ Long đang đào tạo 11 ngành đào tạo trình độ đại học chính quy (các lĩnh vực Ngôn ngữ; Du lịch; Văn hoá; Công nghệ thông tin; Môi trường và Thuỷ sản), 20 ngành đào tạo trình độ cao đẳng (các lĩnh vực du lịch, văn hoá, nghệ thuật, sư phạm, công nghệ thông tin) và 04 ngành đào tạo trung cấp khối nghệ thuật (đào tạo năng khiếu). Nhà trường chỉ tập trung đào tạo theo hình thức chính quy.

Bảng 2. Các ngành và trình độ đào tạo tại Trường Đại học Hạ Long

TT Ngành Mã ngành Hình thức đào tạo
I Hệ đại học    
1 Khoa học máy tính 7480101 Chính quy tập trung
2 Quản lý văn hóa 7229042 Chính quy tập trung
3 Ngôn ngữ Trung Quốc 7220204 Chính quy tập trung
4 Ngôn ngữ Anh 7220201 Chính quy tập trung
5 Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành 7810103 Chính quy tập trung
6 Quản lí Tài nguyên và Môi trường 7850101 Chính quy tập trung
7 Nuôi trồng Thủy sản 7620301 Chính quy tập trung
8 Ngôn ngữ Nhật 7220209 Chính quy tập trung
9 Quản trị Khách sạn 7810201 Chính quy tập trung
10 Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ Ăn uống 7810202 Chính quy tập trung
11 Ngôn ngữ Hàn Quốc 7220210 Chính quy tập trung
II Hệ cao đẳng    
1 Tin học ứng dụng 6480206 Chính quy tập trung
2 Tiếng Anh 6220206 Chính quy tập trung
3 Sư phạm Tiếng Anh C140231 Chính quy tập trung
4 Sư phạm Ngữ văn C140217 Chính quy tập trung

(Dừng tuyển sinh cao đẳng từ năm 2020)

5 Giáo dục Tiểu học C140202
6 Giáo dục Mầm non C140201 Chính quy tập trung
7 Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống 6810205 Chính quy tập trung
8 Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành 6810101 Chính quy tập trung
9 Việt Nam học (CN Hướng dẫn du lịch) 6810103 Chính quy tập trung
10 Thanh nhạc 6210225 Chính quy tập trung
11 Hội họa 6210103 Chính quy tập trung

 

Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lí

Hiện nay, Trường Đại học Hạ Long có 239 giảng viên cơ hữu (33 tiến sĩ, 166 thạc sĩ).

Bên cạnh đó, Nhà trường có quan hệ hợp tác đào tạo, giao lưu trao đổi kinh nghiệm giáo dục và đào tạo với nhiều đại học, trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Công nghệ Aukland (NewZealand), Đại học Dongduk Women’s University (Hàn Quốc), Catholic University of Daegu (Hàn Quốc), Trường Đại học Quốc tế Hàn Quốc, Trường RMIT… Các trường tại Hàn Quốc đều có thoả thuận trao đổi giảng viên, tình nguyện viên tới Trường Đại học Hạ Long trong khuôn khổ hợp tác. Nhà trường cũng được sự hợp tác, hỗ trợ của các nhà khoa học, các giảng viên ưu tú từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan tổ chức… tới tham gia giảng dạy, hợp tác đào tạo.

Quy mô đào tạo các trình độ

Với 11 mã ngành đào tạo trình độ đại học và 20 mã ngành đào tạo trình độ cao đẳng đang được phép đào tạo thuộc các lĩnh vực: Công nghệ Thông tin (Khoa học Máy tính), Ngôn ngữ (Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Quản lí Tài nguyên và Môi trường, Nuôi trồng Thủy sản, Sư phạm (Giáo dục trung học, Giáo dục Mầm non, Giáo dục tiểu học, Tiếng Anh); Tiếng Anh thương mại; Du lịch (Quản trị Khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ Ăn uống); Văn hóa (Quản lí văn hóa), Nghệ thuật  (Thanh nhạc, nhạc cụ, mỹ thuật, múa)…, quy mô đào tạo của trường hiện nay là trên 4000 học sinh, sinh viên (không thống kê các lớp đào tạo ngắn hạn, ngoài trường và liên kết đại học), trong đó đào tạo đại học chính quy trên 2250 sinh viên, cao đẳng chính quy trên 1400 sinh viên, còn lại là trung cấp chuyên nghiệp (khối ngành năng khiếu nghệ thuật) và học sinh phổ thông (trường Thực hành sư phạm – Trường Đại học Hạ Long).

Các trường tiền thân của Trường Đại học Hạ Long ngày nay là trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long đã có quá trình phát triển liên tục, vững mạnh trong nhiều năm, có bề dày truyền thống (tính đến thời điểm được sáp nhập – tháng 10/2014, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh đã tròn 55 năm tuổi và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long có 44 năm thành lập và phát triển).

Sự tồn tại và phát triển của Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long gắn liền với sự phát triển kinh tế – xã hội, giáo dục đào tạo của tỉnh Quảng Ninh và khu vực. Hai trường đã đào tạo hàng chục nghìn lao động có trình độ cho Quảng Ninh và các tỉnh lân cận. Riêng ngành Giáo dục Tiểu học – khoa Sư phạm, tính đến thời điểm hiện tại, đã đào tạo được 23 khóa ngành Giáo dục Tiểu học hệ cao đẳng chính quy, đã có hàng nghìn sinh viên ra trường và được nhân dân, các cơ quan, tổ chức trong xã hội nói chung, trong tỉnh Quảng Ninh nói riêng nhìn nhận và đánh giá cao.

Cơ sở vật chất, thiết bị, phòng thí nghiệm thực hành, thư viện, giáo trình 

– Về diện tích đất đai: Nhà trường đang sở hữu 2 cơ sở với tổng diện tích 9,8 ha (cơ sở 1: 7,7 ha; cơ sở 2: 2,1 ha) (2 cơ sở đều đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

– Về công trình phục vụ đào tạo:

+ Cơ sở 1 (tại TP. Uông Bí):

Giảng đường: có 5 tòa giảng đường với diện tích 7.334m2 với 50 phòng học lí thuyết. Công suất đáp ứng tối đa cùng một lúc cho 1830 sinh viên;

Phòng thí nghiệm, thực hành: có 22 phòng thí nghiệm, thực hành các bộ môn Môi trường, Thủy sản, Hóa – Sinh, Lí – KTCN, Tin học, Ngoại ngữ với diện tích xây dựng 1.718m2, đáp ứng nhu cầu cho 520 sinh viên cùng một lúc;

Trường thực hành sư phạm với 14 phòng học lí thuyết, tổng diện tích 1.048 m2 và 7 phòng bộ môn 1.023 m2 đủ năng lực đáp ứng cho 760 học sinh;

Kí túc xá: 02 tòa nhà 4 tầng, diện tích 2.280 m2, 98 phòng, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 800 HSSV. Ngoài ra còn có khu nhà khách phục vụ cho lưu học sinh quốc tế và giáo viên;

Nhà ăn sinh viên: 840 m2, đáp ứng nhu cầu phục vụ 400 người cùng một lúc.

+ Cơ sở 2 (TP. Hạ Long):

01 tòa nhà 5 tầng (cơ sở 2A) có khu giảng đường với diện tích 1028 m2 với 22 phòng, diện tích phòng thực hành 578 m2 với 17 phòng; các khu chức năng khác có diện tích 510 m2 (gồm hội trường, sân khấu, nhà ăn, phòng khách, phòng văn thư và nhà kho);

01 tòa nhà 7 tầng (cơ sở 2B) gồm giảng đường với 19 phòng học lí thuyết với tổng diện tích 906 m2; phòng thí nghiệm, thực hành với 30 phòng thực hành các bộ môn nghiệp vụ du lịch với tổng diện tích xây dựng 1.461 m2; khu hiệu bộ với 17 phòng, diện tích 522 m2, ngoài ra còn có các văn phòng khoa, phòng chờ giáo viên tại các giảng đường;

Như vậy, tại cả 2 cơ sở, toàn trường hiện có 136 phòng học lí thuyết (không tính hệ thống phòng học của Trường Thực hành sư phạm) với tổng diện tích 9268 m2, đủ chỗ học tập cùng lúc cho 4500 sinh viên (chưa tính đến việc sử dụng ngoài giờ). Phòng thí nghiệm, thực hành với tổng diện tích là 3757 m2, đáp ứng nhu cầu thực hành cùng lúc cho khoảng 2000 sinh viên.

Hiện nay, nhà trường đang nghiệm thu và chuẩn bị đưa vào sử dụng đầu năm học 2020 – 2021 toà nhà 20 tầng với thiết bị đồng bộ, phục vụ dạy lý thuyết, thực hành và các phòng học chuyên dụng theo các bộ môn.

Về thư viện, sách giáo trình, tài liệu tham khảo

Với 2 cơ sở, 3 khu (cơ sở 2 có 2 khu, gồm khu 2A và khu 2B), Nhà trường có 03 thư viện với tổng số lượng sách gần 75.000 cuốn sách, giáo trình, tài liệu phục vụ dạy học (chưa tính báo, tạp chí các loại). Thư viện truyền thống với 04 phòng đọc, 23 máy vi tính phục vụ công tác tra cứu, công năng phục vụ 1.440 lượt sinh viên/tháng.

Đặc biệt, hệ thống thư viên điện tử cùa trường tại địa chỉ: http://tvs.daihochalong.edu.vn/ với hơn 1.4 triệu đầu sách và được kết nối với nguồn học liệu từ hơn 100 trường đại học trong nước.

Bên cạnh đó, các giảng viên của nhà trường đã và đang tiếp tục nghiên cứu, biên soạn các tài liệu giảng dạy, bài giảng… để phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của giảng viên, sinh viên phù hợp với điều kiện của trường.

  1. Về ngành đào tạo và chương trình đào tạo

Ngành đào tạo:     Giáo dục Tiểu học;

Mã số         :                  7140202;

Tên chương trình:          Giáo dục Tiểu học;

Trình độ đào tạo:           Đại học;

Loại hình đào tạo:          Chính quy;

Thời gian đào tạo:          4 năm.

Chương trình được thiết kế theo cấu trúc đơn ngành, xây dựng trên cơ sở vận dụng chương trình khung giáo dục đại học, hệ Chính quy, bậc đại học ngành Giáo dục Tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 37/2010/TT–BGD&ĐT ngày 21 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường Đại học Hạ Long có đủ năng lực (đội ngũ cán bộ giảng viên, giáo trình, tài liệu, cơ sở vật chất trang thiết bị…) để thực hiện tốt chương trình đào tạo mà trường đã xây dựng.

Tóm tắt về chương trình đào tạo: Tổng khối lượng kiến thức toàn khóa 126 tín chỉ (chưa kể Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng); thời gian đào tạo 4 năm (Bảng 4).

Bảng 4. Khối lượng kiến thức toàn khóa

 

STT Khối kiến thức Số tín chỉ
1 Kiến thức giáo dục đại cương 20
+ Bắt buộc 22
+ Tự chọn 0
2 Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp 106
2.1 Kiến thức cơ sở ngành 33
+ Bắt buộc 31
+ Tự chọn 2
2.2 Kiến thức ngành 52
+ Bắt buộc 46
+ Tự chọn 6
2.3 Kiến thức rèn nghề 6
+ Bắt buộc (Nghiệp vụ sư phạm) 6
+ Tự chọn 0
3 Thực tập và tốt nghiệp 15
Thực tập 7
Tốt nghiệp 8
Tổng số: 126

 

Đối tượng và điều kiện tuyển sinh: Đối tượng tuyển sinh là học sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc tương đương, điều kiện tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dự kiến tuyển sinh trong 03 năm đầu:

Năm 2021: 50 chỉ tiêu;

Năm 2022: 100 chỉ tiêu;

Năm 2023: 100 chỉ tiêu.

Quá trình xây dựng chương trình đào tạo: Trường Đại học Hạ Long đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình trong việc xây dựng chương trình đào tạo.

  1. Tóm tắt khả năng đáp ứng của Trường Đại học Hạ Long trong việc thực hiện đào tạo ngành Giáo dục Tiểu học

Về đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo ngành Giáo dục Tiểu học

Số lượng giảng viên cơ hữu cùng ngành và ngành gần tham gia mở ngành và giảng dạy chương trình đào tạo gồm: 03 tiến sĩ, 31 thạc sĩ.

Đội ngũ giảng viên cơ hữu hiện tại của trường đảm nhận được 100% khối lượng chương trình đào tạo.

Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo

Trường có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm đáp ứng yêu cầu đào tạo của ngành Giáo dục Tiểu học, cụ thể:

– Hệ thống phòng học lý thuyết: sử dụng chung hệ thống giảng đường sẵn có của trường (tổng diện tích mặt bằng: 98.460,2 m2, trong đó diện tích xây dựng: 18.497,32 m2. Tổng số phòng học hiện có: 136 phòng, tổng diện tích các phòng học: 8.965,7 m2, trong đó số phòng giảng dạy tích hợp: 108 phòng; số phòng học ngoại ngữ: 5 phòng). Riêng số phòng dành cho Khoa Sư phạm Tiểu học cố định ở các lớp là 12 phòng (tầng 2, tầng 3 của dãy nhà A, mỗi phòng trang bị đủ máy tính tính, máy chiếu).

– Các hạ tầng cơ sở vật chất khác sử dụng chung với các ngành đào tạo khác của nhà trường (theo Mục 2. Giới thiệu khái quát về Trường Đại học Hạ Long).

– Trường Đại học Hạ Long có trường Thực hành Sư phạm từ cấp Mầm non, Tiểu học tới cấp THCS với tổng số 14 phòng học lý thuyết (tổng diện tích 1.048 m2 và 7 phòng bộ môn 1.023 m2 đủ năng lực đáp ứng cho 760 học sinh). Đây là một trong các địa điểm rèn nghề cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học của nhà trường.

Về học liệu, nguồn thông tin tư liệu

Số đầu sách phục vụ đào tạo ngành Giáo dục Tiểu học hiện có trên 300 đầu sách, với trên 4500 cuốn (riêng khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành có trên 200 đầu sách với trên 3000).

Ngoài ra, hệ thống thư viện điện tử của trường được kết nối với hơn 100 trường đại học trên cả nước là một nguồn tư liệu phong phú phục vụ cho giảng viên và người học.

Chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo được biên soạn và thẩm định theo đúng quy định của Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/4/2015 ban hành Quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Hội đồng thẩm định đã thông qua chương trình đào tạo của nhà trường và các điều kiện đảm bảo thực hiện chất lượng chương trình đào tạo. Nhà trường đã ban hành chương trình đào tạo và giao Phòng Đào tạo – đơn vị quản lý chuyên trách tổ chức quản lí và triển khai, cập nhật, đánh giá chương trình đào tạo theo đúng các quy chế, quy định đào tạo trình độ đại học đã ban hành của nhà trường.

 

  1. Kết luận 

Căn cứ Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/4/2015 ban hành Quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; Căn cứ Thông tư 22/ 2017/TT-BGDĐT quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng, Trường Đại học Hạ Long xác định đã chuẩn bị đủ các điều kiện về chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ngành Giáo dục Tiểu học trình độ đại học. Nhà trường có đủ năng lực tổ chức và quản lí ngành đào tạo phục vụ nhu cầu đào tạo của Quảng Ninh và khu vực.

BÌNH LUẬN