Thứ Hai, 23/7/2018 | 00:00 GMT +7

Giới thiệu Khoa Sư phạm Mầm non

Khoa Sư phạm Mầm non trường Đại học Hạ Long có tiền thân là trường Sư phạm Nhà trẻ - Mẫu giáo Quảng Ninh. Năm 1993 trên cơ sở sáp nhập trường Sư phạm Nhà trẻ - Mẫu giáo Quảng Ninh vào trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh, khoa Giáo dục Mầm non được thành lập. Đến tháng 10 năm 2014, khi trường Đại học Hạ Long ra đời từ hạt nhân là trường CĐSP Quảng Ninh và trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật & Du lịch Quảng Ninh, khoa Giáo dục Mầm non được đổi tên thành khoa Sư phạm Mầm non.

1. Giới thiệu chung

  • Địa chỉ: Trường đại học Hạ Long
  • Điện thoại cố định: 84. 0203.3850.059
  • Email: Khoamamnon.dhhl@moet.edu.vn

2. Lịch sử hình thành

Khoa Sư phạm Mầm non trường Đại học Hạ Long có tiền thân là trường Sư phạm Nhà trẻ – Mẫu giáo Quảng Ninh. Năm 1993 trên cơ sở sáp nhập trường Sư phạm Nhà trẻ – Mẫu giáo Quảng Ninh vào trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh, khoa Giáo dục Mầm non được thành lập. Đến tháng 10 năm 2014, khi trường Đại học Hạ Long ra đời từ hạt nhân là trường CĐSP Quảng Ninh và trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật & Du lịch Quảng Ninh, khoa Giáo dục Mầm non được đổi tên thành khoa Sư phạm Mầm non.

3. Chức năng nhiệm vụ

Khoa Sư phạm Mầm non trường Đại học Hạ Long được giao nhiệm vụ đào tạo – bồi dưỡng giáo viên mầm non trình độ trung cấp, cao đẳng ở tất cả các hệ: Chính quy, vừa làm vừa học, liên thông; bồi dưỡng, chuẩn hoá giáo viên mầm non đạt trình độ chuẩn và bồi dưỡng giáo viên mầm non dạy “Giáo dục hòa nhập” trẻ khuyết tật nhằm góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục mầm non của tỉnh Quảng Ninh.

4. Công tác đào tạo

Trong suốt quá trình phát triển của mình, đội ngũ cán bộ, giảng viên các thế hệ của Khoa Sư phạm Mầm non đã và đang cố gắng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà nhà trường, ngành giáo dục giao cho nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội. Để làm được điều này, Khoa luôn luôn chủ động trong việc xây dựng kế hoạch công tác (theo năm học, học kì, theo tháng) và cụ thể hóa kế hoạch công tác đó thành các nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ, nhóm chuyên môn và từng cán bộ giảng viên. Mặt khác, Khoa còn chú trọng tổ chức các hội thảo khoa học nhằm nâng cao chất lượng dạy học, rèn nghề; tăng cường công tác thao giảng của giảng viên; đổi mới cách thức đánh giá chất lượng sinh viên; duy trì tốt nề nếp dạy học; tăng cường công tác quản lý học sinh, sinh viên thông qua giáo viên chủ nhiệm, ban Cán sự lớp, ban Chấp hành chi đoàn, đội Tự quản, trợ lí…

Trong quá trình đào tạo, HSSV của Khoa được thực hành, thực tập tại các lớp thực hành mầm non của trường Thực hành Sư phạm và các trường mầm non đạt chuẩn ở địa bàn Uông Bí; được rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp ngay từ học kỳ đầu tiên của khóa học. Vì vậy công tác đào tạo (nói chung), công tác thực hành rèn nghề của HSSV của Khoa nói chung đạt kết quả tốt và ổn định trong các năm:

  • 100% học sinh, sinh viên có kết quả thực hành, thực tập đạt khá, giỏi.
  • Trên 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, HSSV của Khoa đã nhanh chóng hòa nhập vào công tác giáo dục của các địa phương, trong đó có nhiều HSSV sau một vài năm công tác đã phấn đấu trở thành cán bộ quản lý, giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua cấp huyện, cấp tỉnh. Đặc biệt có không ít HSSV đã mạnh dạn mở các trường, lớp mầm non tư thục và tổ chức hoạt động có hiệu quả được xã hội thừa nhận và đánh giá cao.

4. Hoạt động của các tổ chức, đoàn thể

Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính là đào tạo giáo viên mầm non, Khoa Sư phạm Mầm non đã chú trọng phát huy vai trò và tăng cường các hoạt động của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Chữ thập đỏ. Bởi thế Khoa đã phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức quần chúng trong việc động viên, đôn đốc kiểm tra các thành viên thực hiện công việc được giao; chỉ đạo các đoàn thể tổ chức các hoạt động nhân những ngày lễ lớn như câu lạc bộ 20/10, câu lạc bộ 8/3, hội diễn văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11; khuyến khích HSSV tham gia các hoạt động nhân đạo như hiến máu tình nguyện, đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ người nghèo, ủng hộ đồng bào bão lụt…để tạo sân chơi lành mạnh cho HSSV, qua đó HSSV được rèn nghề, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp.

Với những cố gắng nỗ lực nói trên, khoa Giáo dục Mầm non trước đây và hiện nay là khoa Sư phạm Mầm non đã vinh dự được công nhận là một trong những đơn vị trong trường nhiều năm liên tục đạt danh hiệu  “Tập thể lao động xuất sắc”, nhiều lần được UBND tỉnh Quảng Ninh và Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng bằng khen.

Những thành tích này không chỉ là sự ghi nhận của các ban, ngành đối với những cố gắng nỗ lực của nhiều thế hệ giáo viên trong công tác đào tạo mà còn tạo thành nền tảng, động lực để Khoa Sư phạm Mầm non bước tiếp những bước vững chắc vào chặng đường mới với những thành công mới, nhất là trong bối cảnh hiện nay bậc học Mầm non được trả lại vị trí nền tảng trong hệ thống giáo dục quốc dân và đã được nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng của Nhà nước.