Thứ Hai, 20/5/2019 | 11:08 GMT +7

BIỂU TƯỢNG “DÒNG SÔNG” TRONG TRUYỆN NGẮN “NHỮNG BÀI HỌC NÔNG THÔN” CỦA NGUYỄN HUY THIỆP

Giãi mã biểu tượng trong tác phẩm văn học chính là cách tiếp cận văn học nghệ thuật dưới góc nhìn văn hóa. Mỗi tác phẩm văn học đều có thể chứa rất nhiều biểu tượng, mẫu gốc cũng như vô vàn các biến thể của nó. Bài viết tìm hiểu giãi mã một biến thể của nước- dòng sông trong một truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp “Những bài học nông thôn”, với những hướng nghĩa biểu trưng tiêu biểu: Dòng sông biểu trưng cho sự sống, khả năng thanh lọc và tái sinh, cho dòng đời chảy trôi vô tận, là nhân chứng cho sự trưởng thành của loài người.

BIỂU TƯỢNG “DÒNG SÔNG” TRONG TRUYỆN NGẮN “NHỮNG BÀI HỌC NÔNG THÔN

CỦA NGUYỄN HUY THIỆP

                                                                                                    ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lương

  1. Đặt vấn đề

Biểu tượng không phải thuật ngữ dành riêng cho văn học mà nó được sử dụng rộng rãi trong đời sống và trong nhiều ngành khoa học và nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc, kiến trúc, tâm lý học, văn hóa học… Đối với văn học, biểu tượng là một phương tiện thẫm mỹ giúp văn học đi sâu thâm nhập vào thế giới bên trong con người, tạo nên một phương thức khám phá chiếm lĩnh đời sống theo chiều sâu mà bề nổi ngôn từ nghệ thuật khó chuyển tải được. Quá trình tìm hiểu biểu tượng trong tác phẩm nghệ thuật cũng chính là quá trình đi tìm bản chất, đi tìm những giá trị nhân sinh mà tác giả muốn gửi gắm tới bạn đọc thông qua biểu tượng.

Nguyễn Huy Thiệp là một trong những tên tuổi đặc biệt trong giới văn sĩ Việt Nam bởi khi mới bước vào làng văn, ông đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng. Ông làm được việc mà không phải nhà văn nào cũng làm được cho quá trình đổi mới văn học Việt Nam. Với sự xuất hiện của ông, nền văn học Việt Nam nói chung và văn xuôi Việt Nam nói riêng đã thật sự đổi mới từ hình thức đến nội dung. Một trong những thủ pháp nghệ thuật góp phần tạo nên thành công ấy cho nhà văn, là cách dùng biểu tượng. Có thể nói mọi sự vật hiện tượng trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đều không chỉ đơn thuần là sự vật khách quan thông thường mà chúng đều là những biểu tượng mang những giá trị thẩm mỹ.

Những bài học nông thôn” là một truyện ngắn đặc sắc trong tuyển tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Có nhiều biểu tượng xuất hiện trong câu chuyện nhưng dòng sông có thể coi là một biểu tượng tập trung nhất. Đây là biểu tượng có sức ám ảnh lớn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp nói chung và trong “Những bài học nông thôn” nói riêng. Nó có vai trò quan trọng trong kết cấu tác phẩm và trong việc chuyển tải các thông điệp thẩm mĩ của nhà văn. Không phải vô cớ mà hình ảnh dòng sông lại có mặt ở phần đầu câu chuyện và cũng chính dòng sông xuất hiện lại ở cuối tác phẩm để khép lại câu chuyện. Trong quá trình tìm hiểu biểu tượng này, một số biểu tượng liên quan cũng thuộc hệ biểu tượng nước có thể được kết hợp giải quyết, ví dụ biểu tượng hành động tắm, biểu tượng hành động đi bắt cá, biểu tượng Hiếu nằm úp người trên cát ướt phóng tinh…

  1. Nội dung

2.1.  Dòng sông – biểu trưng cho sự sống

Vì dòng sông là một biến thể đặc thù của mẫu gốc nước nên nó cũng có những hướng nghĩa biểu trưng của mẫu gốc. Sự sống là một trong những hướng nghĩa biểu trưng ấy. Trong từ điển biểu tượng văn hóa thế giới có nói “Nước là nguồn gốc và là phương tiện chuyển tải sự sống; trong một số phép phúng dụ của phái Mật tông (tantra), nước là hình tượng của hơi thở của sự sống (prana). Về mặt thể chất và cũng do nước cũng là một thứ trời cho, nước được coi là một biểu tượng phổ biến về sự phì nhiêu và khả năng sinh sản dồi dào. Người dân miền núi ở Nam Việt Nam nói là nước của trời làm ra thóc lúa; họ cũng còn rất coi trọng chức năng tái sinh của nước, đối với họ, nước là vị thuốc và là đồ uống trường sinh bất tử” [1; 710].

Dòng sông trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là nơi sản sinh ra tôm, cá… nuôi dưỡng sự sống của con người, đặc biệt người nông thôn. Với nền nông nghiệp lúa nước cuộc sống của người nông dân có quan hệ mật thiết với những dòng sông. Dòng sông lấy nước ăn sinh hoạt, dòng sông đưa nước vào các đồng ruộng, dòng sông cung cấp cá tôm cho các bữa ăn đạm bạc của nhà quê.

Trong truyện ngắn “Những bài học nông thôn” dòng sông xuất hiện ở ngay phần đầu tác phẩm: “Xóm Nhài nằm bên sông Canh, con sông nhỏ, mùa nước cạn, người lội qua sông được, chỗ sâu nhất chỉ ngập đến ngực thôi” [2; 162]. Cách mở đầu này gợi cho bạn đọc liên tưởng đến một thôn xóm yên bình nhưng lam lũ, vất vả. Đó cũng là không gian chung của nông thôn Việt Nam trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Nếu trong nhiều truyện ngắn khác, dòng sông hiện lên vừa mang ý nghĩa biểu trưng cho nguồn sống vừa mang ý nghĩa biểu trưng cho nguồn chết, nỗi hiểm nguy, đe dọa. Đó cũng là hai mặt đối lập luôn tồn tại trong biểu tượng nước. Nhưng trong truyện ngắn “Những bài học nông thôn” dòng sông bị làm mờ nhòe đi nét nghĩa thứ hai: nguồn chết. Ở trong câu chuyện này, dòng sông hiện lên với chức năng duy trì sự sống là chính. Chức năng ấy biểu hiện cụ thể qua bữa ăn quê đạm bạc với cá, tôm, hay bát canh cua…qua cả hành động cả nhà Lâm ra sông bắt cá:

Tất cả đổ ra sông. Mưa như trút. Cá nổi lềnh bềnh trên mặt nước…Bố Lâm lội xuống nước ngập đến ngang lưng mới quăng chài. Rất nhiều tép. Có những con cá to bằng bàn tay…Cá đổ cả lên bãi cát. Bố Lâm tiếp tục quăng chài, cứ thế đến chục lần, lần nào cũng được cá, có cả những con cá nheo to bằng bắp chân người, loại cá này trơn và nhớt vì không có vảy” [2; 167].

Những câu văn ngắn gọn, thuần túy mô tả lại sự vật và hành động ở trên đã cho ta thấy cai không khí khẩn trương, vất vả nhưng hào hứng trong cuộc sống lao động của người nông dân. Cơn mưa tốt lành đã mang nước về dòng sông đang khô hạn, mang theo cả bao cá tôm trong lòng nó. Xa rời phố thị ồn ào, đứa bé Hiếu thấy thích thú với cảnh tượng trước mắt, trước niềm vui thật nhỏ bé của người nông thôn. Có thể nói dòng sông, với hướng nghĩa biểu trưng nguồn sống này, đã thành một thứ quà vô cùng quý giá của thượng đế.

2.2. Dòng sông – biểu trưng cho sự thanh lọc và tái sinh

Dòng sông không chỉ đơn thuần cung cấp nguồn sống cho người nông dân về mặt vật chất, nó còn mang một ý nghĩa biểu trưng cao quý hơn cho loài người về mặt tinh thần. Dòng sông là nơi con người tẩy rửa, thanh lọc và tái sinh.

Nước được dùng làm công cụ thanh tẩy theo nghi lễ; từ trong đạo Hồi cho tới ở Nhật Bản, cũng như trong các nghi lễ của các thầy phù thủy (fou-chouei) Đạo giáo thời xưa, ta không quên lễ rẩy nước phép của các tín đồ Kito-giáo – việc tắm gội có vai trò chủ yếu. Tại Ấn Độ và khắp Đông Nam Á, lễ tắm cho các tượng thánh và cho các tín đồ (đặc biệt là vào dịp năm mới) vừa là việc tẩy uế vừa nhằm tái tạo sự sống” [1; 711].

Hành động tắm cũng có thể được coi là một dạng biến thể của dòng sông trong truyện ngắn “Những bài học nông thôn”. Có hai lần Nguyễn Huy Thiệp để nhân vật của mình tắm trên dòng sông.

Lần thứ nhất là bố Lâm sau khi đi thả diều về ra sông tắm:

Ông cởi trần truồng, buộc túm chiếc quần lên cổ, một tay ôm lấy hạ bộ rồi lội xuống nước, lặn thẳng một hơi đến giữa sông mới nhô đầu lên. Ngừng giây lát, tôi chắc chắn khi đó ông có nhìn diều, ông kêu lên một tiếng gì đó, rồi lần này, lặn thẳng một hơi mất hút. Mặt sông nhòa đi…” [2; 167].

Trong truyện ngắn Nguyễn Huy thiệp khi con người “trần truồng” là khi con người tìm về bản thể của mình, bản thể tự nhiên, như nhiên không vướng bận một chút gì bụi bặm trần thế. Nhân vật hướng tầm mắt nhìn cánh diều chao lượn trên không cũng là đang hướng đến cái thế giới như nhiên ấy. Và việc tắm mình trên sông, lặn sâu trong lòng sông là một cách thức, con đường để đi đến cái thanh tịnh hư không kia. Bởi chỉ có nước mới có khả năng gột rửa, rũ tẩy mọi bụi bặm đời thường trên người mình.

Lần thứ hai hành động tắm trên sông xảy ra, là sau khi bắt cá trên sông, hai chị em Liên và Khanh rủ Hiếu xuống sông tắm:

Nước rất ấm tôi mới tập bơi nên không dám ra xa…Quần áo ướt dính chặt vào người chị Hiên và cái Khanh. Tôi cứng người vì thấy thân hình chị Hiên và cái Khanh đều tuyệt đẹp. Những đường cong cân đối gợi cảm lạ lùng” [2; 175].

Nước đã có tính năng thanh tẩy lại còn có thêm một năng lực tái sinh. Con người dìm xuống nước tắm rửa, gột rội bụi bặm cũng đi liền với việc “ra đời một lần nữa…Nước xóa hết lịch sử vì nó khôi phục con người trong một trạng thái mới”. Sự tái sinh này mang vẻ đẹp thiên tính nữ. Điều này bắt nguồn từ đặc tính của nước là mềm mại, mát lành…vốn được ví như người phụ nữ. Ông già đánh cá trong “Ông già và biển cả” chẳng phải đã ví biển như một người đàn bà đẹp hay Xuân Quỳnh nữ thi sĩ tình yêu nổi tiếng của Việt Nam ta chẳng phải cũng ví mình là sóng với tình yêu vừa “dữ dội” vừa “dịu êm” đó sao. Nguyễn Huy Thiệp cũng kế thừa trường liên tưởng đó. Hình ảnh hai chị em Hiên là biểu tượng cho vẻ đẹp thiên tính nữ đó. Một vẻ đẹp mà theo nhà văn là “gợi cảm lạ lùng”. Vẻ đẹp ấy vốn sâu kín nhưng nay được dòng sông giải phóng ra ngoài, để nó hiển hiện trước cuộc đời.

2.3. Dòng sông – biểu trưng cho dòng đời chảy trôi

Nước luôn ở thể động, chẳng thế mà có người đã nói “không bao giờ có thể tắm hai lần trên một dòng sông”. Sự chảy trôi của nước có khi dữ dội nhìn thấy trước mắt, lúc đó nước mang đặc tính hủy diệt sự sống, đe dọa sự sống. Nhưng cũng có khi nước chảy trôi rất bình lặng ngỡ như con người mắt thường không phát hiện được. Đó là sự vận động, phát triển từ bên trong lòng nước. Với những đặc điểm đó, nước thường được ví với thời gian, dòng đời… Trong biểu tượng văn hóa thế giới có nói “Từ những biểu tượng cổ xưa coi nước là nguồn thụ tinh cho đất và sinh ra những cư dân trên mặt đất…được coi như là nguồn thụ tinh cho tâm hồn, sông nhỏ, sông lớn, biển là hình tượng của đời người và của những biến động của những ước muốn và cảm xúc” [1].

Tìm về với truyện ngắn “Những bài học nông thôn” của Nguyễn Huy Thiệp ta bắt gặp được ý nghĩa biểu trưng này của biểu tượng dòng sông.  Trong đoạn tả sau khi nhìn hai chị em Hiên tắm, cậu bé Hiếu đã có những biến đổi trong cảm xúc cũng như trong cơ thể :

Tôi thở dốc, nằm lăn lộn trên bãi cát ướt. hai viên tinh hoàn và dương vật tôi nặng trĩu, rất đau. Rổ cá đổ văng ra. Tôi nằm úp người giữa đám cá tôm mà phóng tinh, miệng ngoạm đầy cát…Một nỗi sợ hãi lẫn khoan khoái trào dâng lòng tôi. Tôi biết từ nay tôi đã trỏ thành người lớn” [2; 176].

Những câu văn nhìn bề ngoài có vẻ mang hơi hướng sex nhưng kì thực lại chuyên trở một ý nghĩa nhân bản hơn tự thân những câu chữ ấy rất nhiều. Chính dòng sông này đã là nơi chứng kiến bao con người đang sống, đang lớn lên. Dòng sông cứ chảy, thầm lặng như thời gian đời người vậy. Con người ta mỗi ngày qua không ngừng thay đổi theo chiều hướng phát triển. Và đôi khi cuộc sống xô bồ nơi thành thị đã cuốn mất chúng ta vào những giá trị sống thực thực hư hư, để chúng ta không có đủ thời gian để nhìn lại mình mà chiêm nghiệm. Và bỗng một ngày chúng ta sững sờ nhận ra mình đã khác, đã không còn là mình của ngày hôm qua. Cậu bé Hiếu từ thành phố về nông thôn thăm nhà người bạn học tên Lâm cũng là cơ hội để cậu bé thấy mình đã lớn. Bài học nông thôn mang lại cho cậu chẳng phải đó sao. Nó làm cậu trào dâng một cảm giác “khoan khoái lẫn lo sợ”. Hai trạng thái cảm xúc tưởng chừng đối lập này hóa ra lại không hề mâu thuẫn tí nào. Con người trưởng thành chính là lúc chúng ta từ biệt tuổi thơ. Quá trình con người lớn lên là quá trình con người giã từ với tuổi thơ bên mẹ, bên những câu chuyện cổ tích…bắt đầu va vấp với cuộc đời, tự lập tìm kiếm cho mình những hạnh phúc và nghĩa vụ. Sự trưởng thành ấy chứa đầy bất trắc và có khả năng tha hóa con người. Nhưng đó như một quy luật tất yếu mà bất kì con người nào cũng phải trải qua. Cho nên cậu bé Hiếu vừa háo hức trước sự trưởng thành đang đến với mình, lại vừa lo sợ những chuyện sắp xảy đến với mình cũng là tất yếu. Lúc này, dòng sông thành nhân chứng cho sự đổi thay của cậu bé với một thái độ khoan dung và đầy nhân ái.

  1. Kết luận

Dòng sông là một biểu tượng tiêu biểu trong “Những bài học nông thôn” của Nguyễn Huy Thiệp. Vì bắt nguồn từ cổ mẫu nước, nên “dòng sông” mang đầy đủ những hướng nghĩa biểu trưng của cổ mẫu này, ngoài ra nó còn có thêm những ý nghĩa khác liên quan đến đặc điểm của dòng sông, đến văn hóa lúa nước Việt Nam và phong cách của nhà văn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Jean Chevaller và Alain Gheebrrant (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng.
  2. Nguyễn Huy Thiệp (2003), Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nxb Văn học.
  3. Lê Thị Hồng Hạnh (2009), Biểu tượng “nước” trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Hội nghị khoa học cán bộ trẻ khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội.

 

 

 

 

BÌNH LUẬN